Ngày 13.9, Hội thảo Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội (KMOLs) số 8 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ AI trong sáng tạo nội dung truyền thông y tế” do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tổ chức đã mang đến nhiều kiến thức chuyên sâu và góc nhìn mới về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực truyền thông y tế.
Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia y tế, bác sĩ, điều dưỡng và những người hoạt động trong ngành truyền thông y tế.
AI – công cụ hỗ trợ hiệu quả trong truyền thông y tế
Phát biểu khai mạc, ThS Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm truyền thông BV ĐHYD đã nhấn mạnh rằng AI đang mở ra những cơ hội lớn cho lĩnh vực truyền thông y tế, giúp giảm tải đáng kể về thời gian và công sức trong việc sáng tạo nội dung.
ThS Nam Phương cho biết: “Trước đây, việc soạn thảo hay chỉnh sửa một bài viết hoặc một kịch bản video có thể mất nhiều giờ, thì giờ đây, với sự hỗ trợ của AI, người làm truyền thông có thể hoàn thành một cách nhanh chóng. Hơn nữa, AI còn giúp tối ưu hóa nội dung, phát triển những ý tưởng mới mẻ và phù hợp với nhu cầu của người bệnh, khách hàng. Mặc dù AI mang lại nhiều tiện ích, sức mạnh thực sự vẫn nằm ở sự kết hợp giữa AI và trí tuệ con người. Tri thức, cảm xúc, sự thấu hiểu và sáng tạo của các chuyên gia y tế luôn là yếu tố cốt lõi trong truyền thông. AI là công cụ giúp khai thác tối đa tiềm năng của con người trong việc tạo ra những nội dung có giá trị và cảm xúc”.
Sức mạnh của AI và vai trò quan trọng của con người
ThS Huỳnh Bảo Tuân, giảng viên Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, đã chia sẻ về tiềm năng của các mô hình ngôn ngữ lớn như Generative Pre-trained Transformer (GPT) trong việc hỗ trợ sáng tạo nội dung. Các mô hình này có khả năng mã hóa, tổng hợp và lưu trữ thông tin từ khắp nơi trên thế giới, giúp tự động hóa các quy trình như viết bài, chỉnh sửa nội dung và sản xuất video.
ThS Bảo Tuân nhấn mạnh rằng mặc dù AI có thể tăng hiệu suất làm việc, nhưng con người vẫn đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra nội dung có ý nghĩa và cảm xúc. “AI có thể giúp chúng ta hệ thống hóa và xử lý thông tin, nhưng tư duy sáng tạo và cảm xúc của con người vẫn là yếu tố quan trọng để tạo nên sự đột phá trong nội dung truyền thông y tế. Sự kết hợp giữa trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh cảm xúc và trí thông minh về hình ảnh là nền tảng để người làm nội dung y tế tạo ra những sản phẩm truyền thông chất lượng cao”.
Khai thác tối đa tiềm năng của AI trong sáng tạo video
Bà Lê Thị Bảo Ngọc, Giám đốc đào tạo và truyền thông Doctor Network – Head of MCV Academy, đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc sử dụng AI để tối ưu hóa quá trình sáng tạo nội dung. Bà Ngọc nhấn mạnh rằng AI là công cụ hỗ trợ đắc lực, đặc biệt trong việc tạo ra các video ngắn chuyên nghiệp, từ khâu lên ý tưởng, chọn chủ đề cho đến chỉnh sửa cuối cùng.
Bà Ngọc giải thích rằng để AI hoạt động hiệu quả, cần phải đưa ra các câu lệnh rõ ràng và đầy đủ thông tin đầu vào. Câu lệnh hiệu quả cần bao gồm dữ liệu về bối cảnh, đối tượng, thông tin cụ thể, cũng như yêu cầu đầu ra về định dạng nội dung (văn bản, hình ảnh, video). “Khi có được những dữ liệu này, AI sẽ giúp các chuyên gia y tế đưa ra những ý tưởng sơ bộ, từ đó họ có thể dễ dàng tập trung vào những giá trị nhân văn sâu sắc trong nội dung của mình,” bà Ngọc chia sẻ.
Chuỗi hội thảo KMOLs sẽ tiếp tục với chủ đề số 9 “Sáng tạo nội dung bằng các thiết bị thông minh” dự kiến diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 20.9 tại BV ĐHYD.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truyen-thong-y-te-ung-dung-cong-nghe-ai-trong-sang-tao-noi-dung-185240914154342861.htm