(CLO) Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang nỗ lực để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để làm được kỳ tích này, bà sẽ phải vượt qua ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11 tới.
Từ một người đồng hành tranh cử của ông Joe Biden vào tháng 8/2020, bà Kamala Harris hiện đang thể hiện mình là một nhà lãnh đạo đầy sức lôi cuốn và năng nổ của thời đại mới: một phụ nữ da màu và là con của cha mẹ nhập cư. Bà đã tham gia chính trường sau khi đấu tranh để trở thành công tố viên hàng đầu ở California.
Câu hỏi sẽ là liệu bà có thể vượt qua và giành lấy chức tổng thống cho riêng mình trước cựu Tổng thống Donald Trump hay không.
Bà Harris sinh ra trong một gia đình nhập cư có trình độ học vấn cao ở Oakland, California, vào năm 1964. Mẹ bà là nhà nghiên cứu ung thư vú người Ấn Độ Shyamala Gopalan, và cha bà là giáo sư kinh tế Donald J. Harris đến từ Jamaica. Cả cha và mẹ của bà đều hoạt động trong phong trào dân quyền của những năm 1960.
Theo cuốn tự truyện “The Truths We Hold” của bà Harris, trải nghiệm này đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của chính bà. Bà nhớ lại mẹ đã nói với bà và em gái bà, Maya: “Đừng chỉ ngồi đó và phàn nàn về mọi thứ. Hãy làm gì đó!”.
Cuộc hôn nhân của cha mẹ tan vỡ khi Harris lên 7. Năm năm sau, bà Gopalan nhận công việc nghiên cứu ở Canada và họ chuyển đến Montreal.
Phó Tổng thống tương lai của Mỹ đã theo học trung học ở Canada trước khi chuyển về Mỹ học khoa học chính trị và kinh tế tại Washington, rồi đến quê nhà California để học luật vào năm 1986.
Bà Harris đã vượt qua kỳ thi luật sư vào năm 1990 và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là công tố viên quận, thăng tiến qua nhiều cấp bậc để trở thành tổng chưởng lý của California vào năm 2011. Bà là người phụ nữ da đen và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên giữ chức vụ này.
“Cảnh sát hàng đầu” ở California
Sự nghiệp công tố viên của bà Harris có nhiều thăng trầm. Bà tự nhận mình là “cảnh sát hàng đầu” của California, nhưng lại khiến cảnh sát tức giận vì từ chối đề xuất án tử hình ngay cả trong những trường hợp cảnh sát bị giết. Đồng thời, bà bị chỉ trích vì không làm nhiều hơn để giải quyết nạn tham nhũng trong lực lượng thực thi pháp luật.
Bà đã khởi xướng một hệ thống phạt tiền nặng và khả năng bị giam giữ đối với những bậc phụ huynh có con em trốn học quá nhiều, điều này ảnh hưởng không cân xứng đến các gia đình da màu.
Năm 2015, bà tuyên bố sẽ tranh cử vào Thượng viện Mỹ và nhận được sự ủng hộ của ông Biden và Tổng thống Barack Obama. Năm 2017, bà trở thành người phụ nữ da đen thứ hai phục vụ tại Thượng viện. Năm 2019, bà phát động chiến dịch tranh cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ với ông Biden là một trong những đối thủ của bà.
Tranh luận với ông Biden
Trong một cuộc tranh luận, bà Harris cáo buộc ông Biden hợp tác với các thượng nghị sĩ Mỹ chống lại một hoạt động đưa trẻ em từ các khu vực thiểu số đến các trường học chủ yếu là người da trắng để đa dạng hóa lớp học.
Ông Biden đáp trả bằng cách nói rằng bà đã “hiểu sai” quan điểm của ông và lưu ý rằng ông đã chọn trở thành “người bảo vệ công chúng” thay vì công tố viên trong thời kỳ bất ổn sau vụ ám sát cựu mục sư Martin Luther King, Jr.
Cuối cùng, bà Harris đã bỏ cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ và ủng hộ ông Biden, người sau đó đã yêu cầu bà trở thành “phó tướng” của ông.
Bị chỉ trích vì khủng hoảng biên giới
Ông Biden và bà Harris đã cùng nhau chiến đấu trong một chiến dịch khó khăn và cuối cùng đã đánh bại ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence. Họ đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Bà Harris một lần nữa làm nên lịch sử — bà là người phụ nữ đầu tiên, người da đen đầu tiên và người gốc Ấn Độ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống Mỹ.
Công việc này trao cho bà Harris thẩm quyền tiếp quản chính quyền trong trường hợp tổng thống qua đời hoặc nếu ông được coi là không đủ khả năng làm nhiệm vụ.
Vào năm 2021, ông Biden giao cho bà nhiệm vụ giải quyết vấn đề nhập cư bằng cách giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” khiến mọi người rời khỏi Mỹ Latinh. “Tôi không nghĩ ra ai đủ tiêu chuẩn hơn để làm điều này”, ông Biden nói về bà Harris vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của bà Harris và các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, số lượng người vượt biên không có giấy tờ vẫn tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chỉ trích bà Harris vì không ngăn chặn được số lượng người vượt biên.
Ủng hộ quyền phá thai
Bà Harris đã tìm thấy một chiến trường khác chống lại các đối thủ chính trị của mình. Khi Tòa án Tối cao Mỹ thu hồi quyền phá thai ở nhiều vùng rộng lớn của đất nước vào năm 2022, bà Harris đã trở thành tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc bảo vệ quyền phá thai. Đầu năm nay, bà đã khởi động chuyến đi “Đấu tranh vì quyền tự do sinh sản” trên khắp nước Mỹ.
Nhà Trắng trích dẫn lời bà Harris nói rằng: “Những kẻ cực đoan trên khắp đất nước chúng ta tiếp tục tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào các quyền tự do khó khăn mới giành được và đấu tranh thành công”.
Ông Trump đã tán thành phán quyết của Tòa án Tối cao. Chỉ vài ngày trước cuộc tranh luận Trump – Biden vào ngày 27/6, bà Harris đã cảnh báo rằng quyền sinh sản sẽ bị đe dọa nếu ông Trump tái đắc cử.
Được ông Biden đích thân lựa chọn
Sau màn tranh luận kém cỏi của ông Biden, bà Harris vẫn nằm trong số những người ủng hộ Tổng thống mạnh mẽ nhất, ngay cả khi các chính trị gia Dân chủ khác đề cử bà cùng những người khác để thay thế ông Biden trong danh sách ứng cử viên tổng thống.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo ngay sau cuộc tranh luận rằng một trong những lý do ông Biden chọn bà Harris “là vì bà ấy thực sự là tương lai của đảng”.
Khi ông Biden hủy bỏ chiến dịch tái tranh cử, bà Harris đã khẳng định vị thế là ứng cử viên được yêu thích nhất.
Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ vào tháng 8, bà Harris đã được xác nhận là ứng cử viên cùng với “phó tướng” là Thống đốc Minnesota, ông Tim Walz.
Mặc dù bà Harris dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ngay từ những ngày đầu ứng cử, cuộc đua trở nên gay cấn hơn vào cuối tháng 10, khi nhiều cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy bà và ông Donald Trump có số phiếu phổ thông ngang nhau, và cuộc cạnh tranh 50/50 ở 7 bang chiến trường là Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11.
Ngọc Ánh (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bau-cu-my-con-7-ngay-ung-cu-vien-dang-dan-chu-kamala-harris-la-ai-post318992.html