Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 20/6, Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets cho biết vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ euro (hơn 1,3 tỷ USD), đồng thời cảnh báo lũ lụt có thể khiến nhiều bom mìn gài tại khu vực này đổ xuống bờ biển của các nước châu Âu khác.
Cảnh ngập lụt sau vụ vỡ đập Kakhovka ở Kherson, Ukraine, ngày 8/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của các Bộ trưởng Môi trường Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Strilets nêu rõ giới chuyên môn đang tiến hành đánh giá thiệt hại và vụ vỡ đập này là thảm họa môi trường lớn nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Bộ trưởng Strilets nhấn mạnh: “Có những thứ mà chúng ta không bao giờ có thể khôi phục được. Đó là những hệ sinh thái đã bị cuốn trôi vào Biển Đen, trong đó 20.000 loài động vật có thể đã chết, bao gồm cả những loài đặc hữu chỉ được tìm thấy ở miền Nam Ukraine”. Hơn nữa, vụ vỡ đập đã khiến khoảng 1 triệu người không có nước sạch sau khi thể tích của hồ chứa Kakhovka giảm 3/4.
Giám đốc Chính sách môi trường của EU Virginijus Sinkevicius cho biết các nước trong khối đang phối hợp cung cấp khẩn cấp thuyền, nơi trú ẩn, vật dụng ngăn nước, thiết bị y tế và máy lọc nước tới các khu vực bị ảnh hưởng.
Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper ở Kherson bị vỡ ngày 6/6 vừa qua. Đập cao 30 m và dài 3,2 km, được xây dựng vào năm 1956. Với sức chứa hồ nước lên đến 18 km3, đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho bán đảo Crimea ở phía Nam và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở phía Bắc. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về vụ vỡ đập này. IAEA cảnh báo vụ vỡ đập có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn liên quan vấn đề an toàn và tình hình an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cho đến nay, vụ vỡ đập này đã khiến hơn 50 người thiệt mạng, đồng thời phá hủy nhiều nhà cửa cũng như đất canh tác.
Theo TTXVN