Newsweek đưa tin, cơ quan tình báo Ukraine (GUR) ngày 7/1 thông báo Kiev đã phá hủy 2 hệ thống pháo – tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Moscow ở vùng Belgorod ở biên giới 2 nước vào hôm 6/1.
Ukraine đang săn lùng mạng lưới phòng không của Nga như hệ thống phòng không Pantsir tầm ngắn để đáp trả những nỗ lực liên tục của Moscow tập kích vào cơ sở hạ tầng của Kiev.
Ukraine cũng tìm cách phá hủy các hệ thống phòng không tầm ngắn khác trên mặt đất của Nga như hệ thống Tor, cũng như các hệ thống phòng thủ tầm xa hơn, như S-300 và S-400.
Theo quân đội Ukraine, Kiev đã phá hủy 2 tổ hợp trên bằng UAV, nhưng không nêu rõ loại nào.
Ukraine hiếm khi nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga. Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Ukraine.
Pantsir-S1, tổ hợp có giá trị khoảng 15 triệu USD, được thiết kế để chống lại máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, đạn dược dẫn đường chính xác và hỗ trợ các đơn vị phòng không khác chống lại các cuộc tấn công quy mô lớn.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống Pantsir có thể phát hiện và tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau, bao gồm cả máy bay không người lái dân dụng có kích thước nhỏ chỉ vào khoảng 30x30cm.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào ngày 3/12/2023: “Những nỗ lực của cả Nga và Ukraine nhằm phá hủy hệ thống phòng không trên mặt đất của đối thủ tiếp tục là một trong những cuộc đối đầu quan trọng nhất trong cuộc chiến”.
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố trong những tuần gần đây rằng họ đã phá hủy các hệ thống phòng không trên mặt đất của Nga. Đầu tháng này, Kiev cho biết lực lượng của họ đã loại bỏ hai hệ thống Buk chỉ cách nhau vài ngày.
Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Anh cho biết Nga có thể đã rút một số hệ thống phòng không từ căn cứ Kaliningrad ở Biển Baltic đến tiền tuyến ở Ukraine để “bù đắp những tổn thất gần đây”.
Được mệnh danh là “mãnh thú”, Pantsir-S1 được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt mọi mục tiêu trên không ở độ cao từ 5m đến 15km trong phạm vi từ 200m đến 20km chỉ trong vòng 5 giây.
Radar có tầm phát hiện 32-36km và phạm vi theo dõi 24-28km đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) là 2m².
Hỏa lực của hệ thống Pantsir S1 bao gồm 12 tên lửa điều khiển bằng vô tuyến, 2 pháo tự động 2A38 30mm bắn nhanh, các cảm biến quang điện và radar. Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 thường được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự.
Các chuyên gia đánh giá, hệ thống Pantsir-S1 là vũ khí đặc trị đối với những mục tiêu bay thấp của đối phương.
Cuối năm 2022, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Con số này có nghĩa là, trong các nhiệm vụ Nga triển khai Pantsir, tổ hợp này đều bắn trúng mục tiêu cần đánh chặn. Hiện chưa rõ con số này đã thay đổi như thế nào.