Các quân nhân thuộc Lực lượng tác chiến đặc biệt cùng với Lữ đoàn cơ giới độc lập số 140 Ukraine đã sử dụng HIMARS để tấn công hệ thống radar Yastreb-AV tiên tiến nhất của Nga, Defense Express đưa tin.
Lực lượng tác chiến đặc biệt thông báo: “Khi đang tiến hành trinh sát ở một trong các mặt trận phía Nam, phi đội UAV thuộc Trung tâm Hàng hải số 73 của Lực lượng Mặt đất Ukraine đã phát hiện hệ thống trinh sát pháo binh 1K148 Yastreb-AV. Những người điều hành Lực lượng tác chiến đặc biệt, cùng với một đơn vị của Lực lượng Phòng vệ, Lữ đoàn cơ giới độc lập số 140, đã thực hiện một cuộc tấn công bằng HIMARS. Kết quả là hệ thống radar của Nga đã bị phá hủy”.
Ukraine công bố đoạn video ghi lại vụ tấn công lên mạng xã hội, nhấn mạnh rằng Yastreb-AV được xem là hệ thống radar tiên tiến nhất của Nga, thường được sử dụng để trinh sát các vị trí bắn của pháo binh. Vụ việc xảy ra ở mặt trận Kherson.
Tuyên bố cho biết: “Với sự hỗ trợ của một trạm radar, Nga có thể theo dõi quỹ đạo của đạn pháo đối phương và tính toán tọa độ chính xác các vị trí. Dữ liệu này được truyền đến các đơn vị pháo binh để tấn công các mục tiêu”.
Yastreb-AV được giới thiệu lần đầu vào năm 2022, trong diễn đàn Army-2022. Thông tin về việc ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang nghiên cứu trạm radar này lần đầu tiên được biết đến vào khoảng năm 2021, và nó hoàn thành thử nghiệm vào đầu năm 2022.
Thông số kỹ thuật chính xác của 1K148 Yastreb-AV chưa được công bố rộng rãi. Radar này sử dụng khung gầm BAZ-6910-025 và được cho là có khả năng “tự động theo dõi quỹ đạo đạn pháo bắn ra” bằng pháo binh, xác định tọa độ vị trí chính xác. Chi phí của nó có thể lên tới 250 triệu USD.
Ukraine tuyên bố phá hủy Yastreb-AV không lâu sau khi Nga tuyên bố triển khai hệ thống này ra chiến trường. Nga chưa bình luận về thông tin mà phía Kiev đưa ra.
Pháo binh đã trở thành một phần quan trọng của chiến sự Nga – Ukraine. Nga đã đạt được lợi thế ban đầu lớn trên tiền tuyến nhờ áp đảo về số lượng hỏa lực. Tuy nhiên, Ukraine cũng đáp trả bằng cách sử dụng hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS nhằm vào kho vũ khí Nga.
Ngoài ra, cả 2 bên cũng sử dụng kỹ năng phản pháo – thuật ngữ chỉ việc khi một khẩu pháo đối phương bắn đi, phía còn lại sẽ nhanh chóng truy dò ra vị trí để tấn công đáp trả vào khu vực khai hỏa.
Phản pháo đòi hỏi tốc độ phải nhanh vì nhiều hệ thống pháo binh hiện nay có khả năng cơ động cao trên chiến trường. Nếu việc phản pháo bị chậm, đòn tấn công sẽ trở nên kém hiệu quả.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh nhận định cả Nga và Ukraine đều đang nhằm mục tiêu vào các radar phản pháo của nhau.
“Hai bên có tương đối ít radar phản pháo, nhưng chúng là vũ khí quan trọng để các chỉ huy tìm và nhắm mục tiêu vào pháo binh của đối phương. Tuy nhiên, các hệ thống radar phản pháo có thể dễ bị tấn công vì chúng phát ra tín hiệu điện từ mà đối phương có thể theo dõi”, phía Anh giải thích.