Hamas cam kết thả con tin Israel theo thỏa thuận, Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc triển khai vũ khí tác chiến vũ trụ, Colombia cắt quan hệ ngoại giao với Israel… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu một nhà ngoại giao Trung Quốc tới để phản đối việc Bắc Kinh dùng vòi rồng tấn công các tàu của Philippines tại Bãi cạn Scarborough. (Nguồn: Philippines Coast Guard) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga- Ukraine
*Ukraine bóng gió sẽ đánh sập cầu Crimea trong năm nay: Đặc phái viên Ukraine tại Liên Hợp Quốc, Sergey Kislitsa, đã đưa ra lời đe dọa ngầm đối với cây cầu Crimea, bóng gió rằng công trình này sẽ không còn tồn tại vào cuối năm nay.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt năm 2022, Lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã tiến hành hai vụ đánh bom lớn vào cây cầu này. Ukraine tuyên bố việc phá hủy cầu Crimea là ưu tiên hàng đầu, khẳng định đây là mục tiêu quân sự hợp pháp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với truyền thông Đức hồi đầu tháng rằng việc phá hủy cây cầu là điều mà “chúng tôi rất mong muốn”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh một cuộc tấn công nhằm vào cầu Crimea sẽ đồng nghĩa với việc leo thang xung đột, đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công như vậy sẽ vấp phải “hành động trả đũa không thể tránh khỏi” bằng bất kỳ loại vũ khí nào. (RT/Sputnik)
*Ukraine lần đầu tiên thừa nhận khả năng đàm phán với Nga: Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Foreign Policy đăng hôm 1/5 rằng Ukraine sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Nga, mà chỉ đàm phán sau khi thành lập liên minh ủng hộ.
Theo ông Kuleba, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về hòa bình tại Ukraine có mục đích thành lập một liên minh (ủng hộ Ukraine), vì vậy không dự định có sự tham gia của Nga. Mặt khác, ông thừa nhận sau hội nghị sẽ phải có cuộc tiếp xúc với phía Nga, khi đó Moscow có thể trở thành một bên đàm phán vì “không thể kết thúc chiến tranh mà không có mặt cả hai bên”.
Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine sẽ được tổ chức tại Geneva trong hai ngày 15-16/6, phía Ukraine chờ đợi đại diện của khoảng 80-100 nước sẽ tham gia. (TASS)
*Tình báo Ukraine nói Nga triển khai UAV cảm tử trên nhà máy điện hạt nhân: Cơ quan báo chí của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga đã phóng thiết bị bay không người lái (UAV) cảm tử trên các lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Lực lượng tác chiến điện tử Ukraine đã thu được những video từ UAV của Nga có đánh dấu UT4D.TT, cho thấy đó là UAV do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho lực lượng tại các vùng Nga chiếm đóng. Đường bay của các UAV này bay qua Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hướng tới các vùng Nikopol và Marganets do Ukraine kiểm soát.
Đại diện Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Andrey Chernyak nói rằng Nga đang sử dụng khu vực nhà máy Zaporizhzhia để triển khai các UAV, lợi dụng thực tế là Ukraine không thể bắn trả trong khu vực 1,5 km xung quanh nhà máy. (Reuters)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc hồi hương người Triều Tiên: Ngày 2/5, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Triều Tiên, một nhóm nhân quyền Hàn Quốc, cho biết giới chức Trung Quốc đã nối lại việc hồi hương hàng trăm người đào tẩu Triều Tiên bị giam giữ ở Trung Quốc.
Nhóm nhân quyền nói trên dẫn các nguồn tin cho hay khoảng 200 người đào tẩu Triều Tiên, bị bắt giữ ở một nhà máy thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc giáp với Triều Tiên, đã bị đưa trở lại Triều Tiên vào ngày 26/4.
Nếu được xác nhận, Trung Quốc dường như đã nối lại việc hồi hương hàng loạt những người đào tẩu Triều Tiên sau khi trục xuất khoảng 600 người đào tẩu về quê hương sau khi Thế vận hội châu Á ở Hàng Châu kết thúc vào tháng 10/2023. (Yonhap)
*Philippines phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông: Ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu một nhà ngoại giao Trung Quốc tới để phản đối việc Bắc Kinh dùng vòi rồng tấn công các tàu của Philippines tại Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) đang tranh chấp ở Biển Đông.
Trong một thông cáo, Bộ trên xác nhận: “Philippines phản đối các biện pháp quấy nhiễu, đâm va, tập trung đông đảo, theo dõi và ngăn chặn, diễn tập nguy hiểm, sử dụng vòi rồng và các hành động gây hấn khác của Lực lượng bảo vệ bờ biển (Hải Cảnh) và dân quân biển Trung Quốc”.
Phía Philippines đồng thời hối thúc các tàu thuyền rời khỏi vùng biển xung quanh khu vực này ngay lập tức. (Reuters)
Trung Đông – châu Phi
*EU viện trợ 1 tỷ USD cho Lebanon: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 2/5 công bố viện trợ 1 tỷ USD cho Lebanon, trong chuyến thăm tới đất nước đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do cuộc khủng hoảng di cư và mối đe dọa chiến tranh với Israel.
Bà von der Leyen tuyên bố gói tài chính trị giá 1 tỷ USD dành cho Liban sẽ được cung cấp từ năm nay cho đến năm 2027 để “đóng góp vào sự ổn định kinh tế xã hội của Lebanon”.
Lebanon đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài và gần 7 tháng đụng độ biên giới giữa phong trào Shi’ite Hezbollah hùng mạnh được Iran hậu thuẫn và Israel. Về cơ bản, Liban vẫn là quốc gia không có người lãnh đạo, không có tổng thống và do một chính phủ tạm quyền đứng đầu với quyền lực hạn chế. (AFP)
*Ấn Độ ủng hộ giải pháp “Hai nhà nước” cho vấn đề Trung Đông: Ngày 2/5, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc (LHQ), bà Ruchira Kamboj, đã nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với giải pháp Hai nhà nước cho Palestine và Israel.
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, bà Kamboj nêu rõ: “Ấn Độ cam kết ủng hộ giải pháp ‘Hai nhà nước’ trong đó người dân Palestine có thể sống tự do ở một quốc gia độc lập trong phạm vi biên giới an toàn, có quan tâm đúng mức đến nhu cầu an ninh của Israel”.
Về viện trợ nhân đạo, bà Kamboj cho hay Ấn Độ sẽ tiếp tục trợ giúp cho người Palestine. Bà nói: “Điều bắt buộc là viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza phải được tăng cường ngay lập tức để ngăn chặn tình hình ngày càng xấu đi. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên cùng nhau thực hiện nỗ lực này”. (Al Jazeera)
*Hamas cam kết thả binh sĩ và con tin Israel theo thuản thuận: Kênh truyền hình Al Mayadeen của Lebanon đưa tin phong trào Hồi giáo Hamas cam kết thả toàn bộ nữ binh sĩ Israel bị bắt làm con tin, cũng như ba con tin dân sự và quân sự trong mỗi ba ngày sau thời điểm đạt được thỏa thuận, theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn khung.
Theo nguồn tin, thỏa thuận khung sẽ nhằm mục đích “khôi phục nền hòa bình bền vững và cung cấp các biện pháp cần thiết để ngừng bắn”. Thỏa thuận quy định ba giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ kéo dài khoảng 40 ngày.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng hối thúc Hamas chấp nhận kế hoạch ngừng bắn ở Gaza, bất chấp cảnh báo của Israel rằng quân đội sẽ tiếp tục chiến đấu với nhóm chiến binh Palestine dù có hay không đạt được thỏa thuận ngừng bắn. (AFP/TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột ở Dải Gaza: LHQ can ngăn Israel không tấn công Rafah, cảnh báo ‘thảm kịch’, Ngoại trưởng Mỹ lại đi Trung Đông |
*Iran áp đặt trừng phạt nhiều công ty Mỹ: Bộ Ngoại giao Iran ra thông cáo cho biết Tehran đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 cá nhân và thực thể Mỹ vì ủng hộ Israel.
Thông cáo nêu rõ: “Bộ Ngoại giao Iran đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức vì hỗ trợ và tài trợ cho Israel, cũng như vi phạm trắng trợn nhân quyền đối với người dân Palestine, đặc biệt là cư dân Gaza”.
Trong số các cá nhân và công ty nằm trong danh sách trừng phạt có Lockheed Martin, Chevron và General Dynamics. (TASS)
*Kenya bổ nhiệm Tổng tư lệnh quân đội mới: Ngày 2/5, Tổng thống Kenya William Ruto đã bổ nhiệm ông Charles Muriu Kahariri làm Tổng tư lệnh quân đội sau cái chết của người tiền nhiệm trong một vụ tai nạn trực thăng.
Ông Kahariri thay thế ông Francis Omondi Ogolla, một trong số 10 sĩ quan quân đội thiệt mạng trong vụ trực thăng rơi ở một khu vực hẻo lánh phía Tây Bắc Kenya hôm 18/4.
Việc thăng chức ông Kahariri lên chỉ huy quốc phòng và cấp tướng nằm trong số những sự bổ nhiệm mà Tổng thống Ruto đã công bố. Ông cũng bổ nhiệm nữ Thiếu tướng Fatuma Gaiti Ahmed làm chỉ huy Lực lượng Không quân Kenya, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Kenya giữ chức vụ này. (Reuters)
Châu Âu
*Hungary không tham gia quỹ 100 tỉ USD của NATO dành cho Ukraine: Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 2/5 tuyên bố các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 30/4 đã nhận được đề xuất từ Tổng thư ký của liên minh Jens Stoltenberg về việc huy động một quỹ mới trị giá 100 tỉ USD cho Ukraine trong vòng 5 năm, tuy nhiên Budapest sẽ đàm phán không tham gia “chuyện điên rồ” này.
Theo ông Szijjarto, điều này có nghĩa là NATO đang tính đến việc kéo dài cuộc chiến thêm 5 năm và Hungary hiểu rõ đề xuất trên sẽ gây ra những rủi ro gì.
Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh trong những tuần sắp tới các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành để Hungary có thể tránh xa khỏi “sự điên rồ đó, tránh xa khỏi việc cung cấp vũ khí, huấn luyện quân đội Ukraine và thu thập 100 tỉ USD đó để bơm vào cuộc chiến”. (Gulf Insider)
*Ukraine cách chức lãnh đạo cơ quan an ninh mạng: Ngày 1/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cách chức người đứng đầu cơ quan an ninh mạng (SBU) của nước này, ông Ilya Vituyk.
Lý do cũng như người kế nhiệm hiện chưa được thông báo, song theo thông tin điều tra báo chí, ông Vituyk bị nghi ngờ tham nhũng do gia đình nắm giữ tài sản giá trị lớn hơn rất nhiều so với mức lương.
Trước khi bị sa thải, Vityuk đã bị người đứng đầu SBU đình chỉ nhiệm vụ sau khi anh vướng vào một loạt vụ bê bối trong những tuần gần đây, nơi dịch vụ báo chí của SBU cho biết Vityuk đã được cử ra mặt trận để thực hiện “các nhiệm vụ chiến đấu” sau khi bị đình chỉ làm chỉ huy. (Reuters)
*Nga cáo buộc phương Tây “đánh cắp tài sản”: Giám đốc điều hành của Nga tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Aleksei Mozhin cáo buộc động thái của các quốc gia phương Tây nhằm phong tỏa hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga đã trở thành “vụ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử”.
Ông Mozhin nhấn mạnh: “Các khoản dự trữ của chúng tôi đã bị đánh cắp và đây là vụ trộm lớn nhất trong lịch sử”. Ông nói rằng Iran, Venezuela và Afghanistan cũng phải đối mặt với những hành động tương tự của phương Tây, tuy nhiên, chưa từng có vụ trộm 300 tỷ USD nào trước đó.
Quan chức Nga lưu ý rằng cả thế giới đang theo dõi tình hình, điều này thể hiện một tín hiệu rõ ràng rằng bất kỳ ai khác cũng có thể bị đối xử theo cách tương tự. (Sputniknews)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc triển khai vũ khí tác chiến vũ trụ: Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách vũ trụ John Plumb cáo buộc Nga và Trung Quốc đang phát triển và triển khai vũ khí tác chiến vũ trụ cả trên mặt đất lẫn trên quỹ đạo.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông John Plumb nói: “Nếu mọi người hỏi liệu Nga và Trung Quốc có đang tiến hành quân sự hóa không gian vũ trụ hay không, thì câu trả lời là đúng như vậy”.
Theo lời ông Plumb, cả hai nước trước nay vẫn phủ nhận những cáo buộc như vậy nhưng đang tham gia “phát triển, trang bị và triển khai một loạt vũ khí tác chiến vũ trụ, một số triển khai trên mặt đất nhưng có một số triển khai trên quỹ đạo”.
Trước đó, tại HĐBA LHQ, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ và Nhật Bản về việc không bố trí vũ khí hủy diệt hàng loạt trên vũ trụ. (Sputnik)
*Argentina cam kết duy trì chính sách “thân thiện với Trung Quốc”: Phát biểu trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino khẳng định chính sách thân thiện của Argentina với Trung Quốc vẫn không thay đổi bất kể tình hình nội bộ Argentina diễn biến thế nào, khi quốc gia Nam Mỹ này chuyển sang ổn định quan hệ song phương căng thẳng kể từ sau chiến thắng bầu cử của Tổng thống Javier Milei vào tháng 12/2023.
Bà Diana cho biết Argentina sẽ tiếp tục hợp tác trong nhiều dự án khác nhau trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, du lịch, không gian, đại dương và bảo vệ môi trường.
Chuyến thăm kết thúc hôm 1/5 này là chuyến thăm đầu tiên của bà Mondino tới Trung Quốc kể từ khi bà nhậm chức vào tháng 12/2023. (SCMP)
*Colombia cắt quan hệ ngoại giao với Israel: Tổng thống Colombia Gustavo Petro ngày 1/5 cho biết ông sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel do những động thái của nước này tại Dải Gaza.
Trước đó, Tổng thống Petro đã chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đề nghị tham gia vụ Nam Phi kiện Israel phạm tội diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cáo buộc Tổng thống Petro đang “chống Do Thái và đầy hận thù”. Ông cho rằng động thái của ông Petro là một phần thưởng cho nhóm vũ trang Hamas.(Reuters)