“Bãi thử” của phương Tây
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (FT) mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng các nước phương Tây ủng hộ Kyiv “có thể thực sự nhìn thấy vũ khí của họ hiệu quả hay không, hiệu quả tới mức nào và liệu có cần nâng cấp chúng hay không” tại Ukraine. “Đối với ngành công nghiệp quân sự trên thế giới, bạn không thể tìm ra một bãi thử nào tốt hơn như thế”, ông cho biết trong bài phỏng vấn được đăng hôm 5.7.
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 496, Ukraine nêu ưu tiên mới; có mưu toan tấn công nhà máy điện hạt nhân?
Chiến sự ở Ukraine là nơi lần đầu tiên vũ khí của NATO được sử dụng trên quy mô lớn để chống lại quân đội Nga và việc này đang mang lại cho quân đội các nước phương Tây những hiểu biết vô giá về hiệu quả của các loại vũ khí mà họ chế tạo, bao gồm khả năng kết hợp các hệ thống khác nhau. Chẳng hạn, hệ thống phòng không NASAMS do Mỹ và Na Uy phát triển đã được triển khai cùng với hệ thống phòng không IRIS-T mới của Đức trên chiến trường Ukraine. Theo FT, đây là lần đầu tiên hai hệ thống vũ khí cấp NATO khác biệt đó được thử kết hợp với nhau.
Cùng lúc, phương Tây đã thu được không ít kiến thức về cách các hệ thống của Nga được vận hành “ở cấp độ chiến thuật” nhờ cuộc chiến ở Ukraine, theo ông Jack Watling, chuyên gia tại Viện Dịch vụ Liên hợp Hoàng gia (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách có trụ sở tại London, Anh). “Song mặt khác, phương Tây đã bộc lộ rất nhiều khả năng của mình trước Nga và Trung Quốc, do đó sẽ phải thay đổi cách thức hoạt động của một số thiết bị để duy trì lợi thế cạnh tranh”, FT dẫn lời ông Watling.
Mỹ cân nhắc gửi bom chùm tới Ukraine
Bộ trưởng Reznikov cũng thừa nhận rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể ngăn chặn các loại đạn pháo dẫn đường bằng GPS cũng như các hệ thống rốc két phóng loạt như HIMARS. “Nga đưa ra biện pháp đối phó, chúng tôi thông báo cho các đối tác của mình và họ đưa ra biện pháp đối phó mới chống lại biện pháp của Nga… Giống như một con lắc luôn luôn dao động. Đây là cuộc chiến công nghệ”, ông Reznikov nói.
Chạy đua công nghệ
Bản thân Ukraine cũng đang chạy đua công nghệ thời chiến với Nga, và một phần trong cuộc đua đó là nỗ lực phát triển “đội quân máy bay không người lái (UAV)” của Kyiv. Theo tường thuật của Reuters ngày 5.7, chính phủ Ukraine hồi cuối tháng 6 đã trao thưởng 3 triệu USD cho 3 nhóm chuyên gia được cho là đã trình làng các loại UAV hoặc công nghệ tác chiến điện tử tốt nhất để chống lại UAV tự sát “Shahed” do Iran sản xuất.
“Đây thực sự là cuộc chiến UAV chưa từng có”, Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov, người cũng là bộ trưởng phụ trách chuyển đổi số, thông tin với Reuters. Theo ông Fedorov, số lượng công ty sản xuất và bán UAV cho chính phủ Ukraine đã tăng từ 7 lên tới 40, và dự kiến lên đến 50 vào cuối năm 2023. Một quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay mục tiêu của họ là mua hơn 200.000 UAV tấn công và trinh sát cỡ lớn trong năm nay.
UAV giá rẻ của Nga trở thành mối đe dọa mới của Ukraine
Về tình hình chiến trường, Đài Sputnik của Nga ngày 5.7 dẫn lời ông Igor Kimakovsky, cố vấn của quyền lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, nói rằng lực lượng Kyiv đã phát động đợt phản công thứ ba trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Lithuania (11 – 12.7). Theo ông Igor Kimakovsky, Ukraine chọn tỉnh Zaporizhizhia ở miền nam Ukraine làm hướng chính trong nỗ lực này, đồng thời tổ chức đánh nghi binh theo hướng tỉnh Luhansk.
Trong khi đó, Nga và Ukraine cùng cáo buộc đối phương lên kế hoạch tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thuộc tỉnh cùng tên. Điện Kremlin ngày 5.7 nói nguy cơ Ukraine tiến hành vụ tấn công “phá hoại” nhà máy này đang rất cao và Nga đã bắt đầu triển khai các biện pháp để chống lại mối đe dọa như vậy, theo Hãng tin RIA Novosti. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng Nga đang chuẩn bị cho các “hành động khiêu khích nguy hiểm” tại cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Ukraine có lợi thế gì trong phản công khi sở hữu hàng loạt vũ khí phương Tây?
Nga tái khẳng định điều kiện để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc
Bộ Ngoại giao Nga ngày 4.7 cho biết một trong các điều kiện để Nga đồng ý gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (sẽ hết hạn vào ngày 17.7) là Ngân hàng Rosselkhozbank của Nga được quay lại hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, theo Đài RT. Song Moscow cho rằng các yêu cầu của họ hiện tại đều chưa được đáp ứng, do đó “không thấy cơ sở” nào để tiếp tục thỏa thuận.