“Vẫn còn sáng suốt sau cuộc phản công thất bại ở Ukraine vào năm ngoái, chính quyền (Tổng thống Mỹ Joe) Biden đang đưa ra một chiến lược mới, trong đó không nhấn mạnh đến việc giành lại lãnh thổ mà tập trung vào việc giúp Ukraine đối phó những bước tiến mới của Nga, đồng thời hướng tới mục tiêu dài hạn là củng cố lực lượng chiến đấu và nền kinh tế”, Washington Post dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết hôm 27/1.
Theo các nguồn tin, “kế hoạch mới của Mỹ (trong năm 2024) đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ so với năm ngoái, khi quân đội Mỹ và đồng minh vội vã huấn luyện và cung cấp trang thiết bị tinh vi cho Kiev với hy vọng rằng họ có thể nhanh chóng đẩy lùi lực lượng Nga”.
“Rõ ràng, họ khó có thể cố gắng thực hiện cùng một kiểu chiến thuật thúc đẩy quy mô lớn trên tất cả mặt trận mà họ từng cố gắng thực hiện vào năm ngoái”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói.
Theo quan chức Mỹ, “ý tưởng hiện nay là giúp Ukraine giữ được vị trí của họ trên chiến trường”, nhưng “đưa họ vào một quỹ đạo khác để trở nên mạnh mẽ hơn nhiều vào cuối năm 2024… và đưa họ đi theo con đường bền vững hơn”.
Theo Washington Post, Mỹ kỳ vọng kế hoạch trên có thể thực hiện được với sự hỗ trợ tích cực từ các quốc gia khác, bao gồm Anh và Pháp, cho Ukraine.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cho thấy những dấu hiệu không còn mặn mà với việc viện trợ cho Ukraine khi chiến sự tiêu hao kéo dài.
Một số phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang điều chỉnh chiến lược về Ukraine do không chắc chắn về triển vọng viện trợ cho Kiev trong thời gian tới.
Tổng thống Biden coi ủng hộ Kiev là một ưu tiên của mình, trong bối cảnh vũ khí và hỗ trợ tài chính của Mỹ đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine trong xung đột với Nga.
Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa cánh hữu phản đối việc này. Họ từ chối duyệt chi khoản viện trợ mới cho Ukraine, nếu đảng Dân chủ không đồng ý siết quy trình chống tình trạng di cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam nước Mỹ.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ đã cung cấp hơn 44 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ, nhiều hơn 4 nước đóng góp lớn nhất tiếp theo là Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch cộng lại.
Gần 40% viện trợ của Mỹ cho Ukraine nhằm mục đích phi quân sự, bao gồm khoản chi cho các nhu cầu nhân đạo như nhà ở cho người tị nạn và hỗ trợ kinh tế trực tiếp để duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine.
Với nền kinh tế bị tê liệt do chiến sự, Ukraine phải dựa vào nguồn tiền ủng hộ để duy trì các dịch vụ cơ bản như trường học, bệnh viện và sở cứu hỏa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây kêu gọi châu Âu sản xuất thêm vũ khí và cảnh báo bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ có lợi cho Nga.
Ukraine đã phát động chiến dịch phản công vào đầu mùa hè, nhưng đến nay mới chỉ đạt được một số bước tiến nhỏ. Một số quan chức cấp cao của phương Tây đã công khai thừa nhận, cuộc phản công của Ukraine không diễn ra như kỳ vọng.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kirill Budanov cũng thừa nhận chiến dịch phản công không chỉ “chậm tiến độ” mà còn “hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch” của Kiev.