Trung Quốc khẳng định không viện trợ Nga, NATO tập trận trên không lớn chưa từng có … là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Air Defender 2023, cuộc tập trận không quân lớn nhất trong lịch sử NATO, đã chính thức khai mạc. (Nguồn: Không quân Mỹ) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: Ukraine tăng cường phản công: Ngày 12/6, ông Vadim Astafiev, người đứng đầu trung tâm báo chí của tập đoàn quân miền Nam của Nga cho biết, quân đội nước này đã đẩy lui thành công cuộc tấn công của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) theo hướng Soledar-Bakhmut.
Cùng ngày, blogger chiến trường của Nga Mikhail Zvinchuk cho hay tình hình đang căng thẳng khi VSU đã bắt đầu tăng cường tấn công. Giao tranh đặc biệt căng thẳng diễn ra xung quanh điểm dân cư Urozhaynoye, nơi có tuyến phòng thủ của Đơn vị Chiến thuật Tác chiến (OBTF) “Kaskad” của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng. Theo ông, các đơn vị đang rút lui một cách có tổ chức về tuyến phòng thủ tiếp theo để bảo toàn lực lượng. Chiến thuật này cho phép họ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cho các cuộc kháng cự tiếp theo. Lực lượng Kaskad và các đơn vị của quân đội Nga tiếp tục chiến đấu, giữ vị trí của họ và sử dụng mọi phương tiện để chống lại các đợt tấn công mới của Kiev.
Trong khi đó, VSU đã thông báo về việc củng cố các cứ điểm tại làng Storozhevoe thuộc DPR, sau khi ngôi làng này nằm dưới sự kiểm soát của VSU. Đáng chú ý, ngôi làng này nằm trên mũi Vremievsky, gần ranh giới DPR và tỉnh Zaporizhzhia.
Trước đó, tin cho biết VSU đã củng cố cứ điểm ở Blagodatny và Neskuchnoye, cũng nằm trong khu vực này. Điều đó đã tạo ra tình huống vô cùng bất lợi cho quân đội Nga. Theo các phóng viên chiến trường Nga, VSU đã bắt đầu tấn công tích cực trong khu vực các điểm dân cư Makarovka và Urozhaynoye. (Sputnik)
* Ukraine nêu tình hình Bakhmut: Ngày 12/6, Bộ Tham mưu VSU cho biết các lực lượng nước này đã tham gia các cuộc đụng độ khốc liệt ở các điểm nóng tiền tuyến. Theo quân đội Ukraine, khoảng 25 trận chiến diễn ra trong suốt ngày qua ở gần thị trấn phía Đông Bakhmut, và xa hơn về phía Nam gần Avdiivka và Maryinka, đều thuộc khu vực Donetsk, và gần Bilohorivka của khu vực Luhansk.
Trước đó một ngày, Ukraine tuyên bố đã có bước tiến đầu tiên trong giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ từ Nga. Kiev cho biết các binh sĩ đang hướng tới ba ngôi làng ở Donetsk: Blahodatne, Neskuchne và Makarivka. (Reuters)
* Quan chức Châu Âu: Xung đột ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm: Ngày 12/6, phát biểu trên đài phát thanh RMS (Đức), Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản xung đột sẽ tiếp tục còn kéo dài. Thật tiếc, xung đột với cường độ cao ở châu Âu trước đó đã kéo dài vài năm và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều này.”
Đồng thời, quan chức này cũng dự báo các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể chưa chấm dứt. Tuy nhiên, ông Thierry Breton cũng nhận định: “Không ai nói rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng nhờ các biện pháp đó. Nếu Ukraine thắng, họ sẽ sử dụng biện pháp quân sự để lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Do đó, EU và các đồng minh của Ukraine đang cung cấp mọi thứ nước này cần để chiến thắng”. (RMS)
* Israel, Ukraine chưa thể thu xếp hội đàm bộ trưởng quốc phòng: Ngày 11/6, Times of Israel dẫn lời các quan chức Ukraine cho biết, nước này đã không thể sắp xếp điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov và người đồng cấp Israel Yoav Gallant kể từ khi ông Gallant nhậm chức cuối năm 2022.
Hồi tuần trước, Israel Hayom cũng đưa tin, mặc dù có đề nghị từ phía Ukraine, song hai quan chức đứng đầu ngành quốc phòng đã không nói chuyện kể từ khi ông Yoav Gallant đảm nhận chức vụ. Một quan chức Bộ Quốc phòng Israel cho biết thêm rằng vào đầu nhiệm kỳ của ông Gallant, hai bên đã có một số trao đổi ban đầu. Tuy nhiên, các cuộc nói chuyện này không tiến triển thêm và sau đó phía Ukraine cũng không đưa ra thêm đề xuất nào. (Israel Hayom/Times of Israel)
* Nhật Bản sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine: Ngày 12/6, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết: “Nhật Bản đã cam kết viện trợ 7,6 tỷ USD cho Ukraine và các quốc gia láng giềng. Thêm vào đó, Tokyo sẽ cung cấp viện trợ toàn diện trong nhiều lĩnh vực, như cung cấp trang thiết bị quốc phòng… Chúng tôi sẽ dùng kinh nghiệm và hiểu biết của Nhật Bản trong một số lĩnh vực như rà phá bom mìn, dọn dẹp mảnh vỡ,…. kể cả trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp”. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cho hay chính phủ và các công ty tư nhân nước này đã lập hội đồng chuẩn bị thúc đẩy khôi phục kinh tế của Ukraine sau xung đột. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine tuyên bố giành lại 4 ngôi làng sau trận giao tranh khốc liệt ở tiền tuyến, Nhật Bản cam kết ‘viện trợ toàn diện’ cho Kiev |
Nga-Trung
* Trung Quốc phủ nhận cung cấp xe bọc thép cho Nga: Ngày 12/6, nước này đã phủ nhận thông tin đã cấp vũ khí hay thiết bị quân sự cho các đơn vị Chechnya tại Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Tôi không biết gì về cái gọi là bằng chứng công khai (về việc bán vũ khí cho Chechnya) các bạn đang nói đến. Trung Quốc luôn tuân thủ mục tiêu và quan điểm công bằng trong vấn đề Ukraine. Chúng tôi đang nỗ lực vì đối thoại hoà bình, không cung cấp vũ khí hay kích động thù địch”.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các cơ quan truyền thông nên làm việc có trách nhiệm, đưa tin “khách quan, công bằng, chuyên nghiệp và dựa trên sự thật”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tung loạt chiến đấu cơ tuần tra chung, Trung Quốc khẳng định không nhằm vào nước nào, Nga nói bị theo dõi |
Nam Á
* Trung Quốc hy vọng Ấn Độ thỏa hiệp về tranh cãi truyền thông: Ngày 12/6, phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Trong những năm gần đây, các nhà báo Trung Quốc làm việc tại Ấn Độ đã phải chịu sự sắp xếp không công bằng và phân biệt đối xử. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục cấp thị thực cho các nhà báo Trung Quốc và loại bỏ những hạn chế vô lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi báo chí”.
Theo ông, Ấn Độ đã không phê duyệt thị thực mới cho các nhà báo Trung Quốc từ năm 2020. Do đó, hiện số lượng phóng viên Trung Quốc tại đây đã giảm từ 14 xuống còn một người. Ông Uông nói: “Đáng tiếc là Ấn Độ đã không làm gì cả. Trung Quốc sẵn sàng hành động trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi để giữ liên lạc. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ thỏa hiệp về vấn đề này”.
Mới đây, Trung Quốc đã từ chối gia hạn thị thực cho hai nhà báo Ấn Độ cuối cùng làm việc tại đây, với lý do Ấn Độ có hành động tương tự trong tháng này đối với hai nhà báo truyền thông nhà nước Trung Quốc còn lại ở Ấn Độ. Theo hai nguồn thạo tin, một trong hai nhà báo Ấn Độ còn lại ở Trung Quốc đã rời địa bàn vào ngày 11/6 do thị thực hết hạn. Người còn lại là nhân viên hãng thông tấn PTI sẽ rời khỏi Trung Quốc trong tháng này với lý do tương tự. Trong năm nay, Ấn Độ có 4 phóng viên thường trú tại Trung Quốc, tuy nhiên hai trong số đó đã bị cấm quay trở lại trong tháng 4, sau khi được thông báo rằng thị thực của họ đã bị đóng băng.
Một nguồn tin khác cho hay Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt thị thực tạm thời cho các phóng viên truyền thông nhà nước Trung Quốc tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tháng Năm vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng hy vọng Trung Quốc sẽ cho phép các nhà báo của nước mình làm việc tại Bắc Kinh. New Delhi cũng nhấn mạnh họ cho phép tất cả các nhà báo nước ngoài hoạt động ở Ấn Độ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ ủng hộ các sáng kiến đảm bảo hòa bình ở Ukraine |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc sẽ hỗ trợ Honduras phát triển kinh tế, xã hội: Ngày 12/6, phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Honduras Xiomara Castro ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự chuyển hướng của Tegucigalpa, từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, đánh dấu “quyết định lịch sử và thể hiện ý chí chính trị vững vàng” của Honduras.
Ông tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Honduras và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Honduras”. Bắc Kinh sẽ tìm cách phát triển quan hệ “từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn, biến tầm nhìn hợp tác tốt đẹp hai nước thành kết quả cụ thể”.
Dự kiến, Tổng thống Honduras Xiomara Castro sẽ ký một loạt thỏa thuận về hợp tác song phương với nước chủ nhà trong thời gian công du Trung Quốc. (AFP)
* Hàn Quốc tiếp tục chỉ trích Đại sứ Trung Quốc: Ngày 12/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết vai trò cầu nối không tốt của một đại sứ có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia song phương.
Quan chức Hàn Quốc nêu rõ: “Điều 41 Công ước Vienna quy định nghĩa vụ của nhà ngoại giao là tôn trọng luật pháp nước sở tại. Điều này cũng quy định nghĩa vụ của họ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại”.
Nhận định trên được cho là ám chỉ tuyên bố tranh cãi gần đây của Đại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh về mối quan hệ của Seoul với Washington, cho rằng Hàn Quốc đã “đặt cược sai” trong cạnh tranh Mỹ-Trung. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc đã chỉ trích tuyên bố này. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng ‘tiêu chuẩn kép và thao túng chính trị’ trong vấn đề Iran |
Châu Âu
* NATO tập trận phòng không lớn nhất lịch sử: Ngày 12/6, Air Defender 2023, cuộc tập trận trên không lớn nhất lịch sử Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu tại căn cứ không quân Wunstorf gần vùng Hannover của Đức. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài tới ngày 23/6, với sự tham gia của lực lượng từ 25 quốc gia, trong đó Đức là địa điểm tập trận chính và nắm quyền chỉ huy cuộc tập trận. Tham gia cuộc tập trận đã được chuẩn bị 5 năm này có 10.000 binh sĩ và 250 máy bay, trong đó Mỹ đóng góp khoảng 100 máy bay và Đức là 70 máy bay. Ngay trong ngày đầu tiên, dự kiến có khoảng 146 lượt máy bay cất cánh trong tổng số khoảng 2.000 lượt xuất kích trong khuôn khổ cuộc tập trận.
Cuộc tập trận sẽ huấn luyện cách điều chuyển nhanh chóng lực lượng không quân tăng cường tới Đức trong trường hợp có xung đột, giành lại các khu vực đã bị chiếm giữ cũng như huấn luyện công tác phòng thủ và tương hỗ mô phỏng theo Điều 5 Hiệp ước NATO, trong đó các đối tác cam kết hỗ trợ trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều thành viên NATO.
Theo kế hoạch, có 3 khu vực tập trận trên không phận Đức, trong đó các cuộc tập trận sẽ diễn ra vào những thời điểm khác nhau trong 2 giờ mỗi ngày. Ba vùng tập trận chính bao gồm vùng tập trận phía Đông và Đông Bắc với các khu vực trên Biển Baltic và vùng duyên hải bang Mecklenburg-Vorpommern; vùng tập trận phía Nam với hành lang chạy từ Lechfeld ở Bayern đến khu tập trận Baumholder ở bang Rheinland-Pfalz; và vùng tập trận phía Bắc chủ yếu nằm trên Biển Bắc.
Do vị trí nằm ở trung tâm châu Âu, Đức sẽ là trung tâm hậu cần lớn và khu vực tổ chức chính cho cuộc tập trận. Các cuộc tập trận sẽ tập trung tại các căn cứ không quân ở Đức, ngoài ra cũng liên quan tới các địa điểm ở Hà Lan và Czech. (AP/TTXVN)
* SIPRI: Vũ khí hạt nhân toàn cầu tăng trong năm 2022: Ngày 12/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết số lượng đầu đạn hạt nhân ước tính trong các kho dự trữ quân sự trong năm qua đã tăng thêm 86, lên thành 9.576, tiếp tục xu hướng vài năm qua. Giám đốc SIPRI Dan Smith cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất của lịch sử nhân loại. Các chính phủ trên thế giới cần phải tìm cách hợp tác để làm dịu căng thẳng địa chính trị, giảm thiểu các cuộc chạy đua vũ trang và đối phó với những hậu quả ngày càng tồi tệ của môi trường và nạn đói gia tăng trên thế giới”.
Theo SIPRI, hiện 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân đang tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ. Đồng thời, một số đã triển khai các hệ thống vũ khí trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc có năng lực mang đầu đạn hạt nhân trong năm 2022. (Reuters)
* Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi qua đời: Ngày 12/6, người phát ngôn của cựu Thủ tướng, Thượng nghị sĩ Italy Silvio Berlusconi xác nhận chính khách kỳ cựu này đã qua đời tại bệnh viện San Raffaele ở Milan, hưởng thọ 86 tuổi.
Ông Berlusconi từng gặp nhiều vấn đề sức khỏe trong những năm gần đây. Ngày 10/6 vừa qua, nhà lãnh đạo này đã nhập viện tại Milan để làm xét nghiệm liên quan đến bệnh bạch cầu, chỉ 3 tuần sau khi ông xuất viện. Trước đó, năm 2016, chính trị gia từng 4 lần giữ chức thủ tướng Italy trong 9 năm này đã trải qua ca phẫu thuật tim. Đồng thời, ông cũng bị ung thư tuyến tiền liệt. Năm 2020, cựu Thủ tương Italy đã mắc Covid-19 và cũng phải nhập viện nhiều lần sau đó.
Bên cạnh vị trí cựu Thủ tướng Italy, ông Berlusconi cũng là tỷ phú ngành truyền thông. Ngoài ra, ông từng làm Chủ tịch của Câu lạc bộ bóng đá AC Milan trong 26 năm, trải qua giai đoạn hoàng kim với 8 cúp vô địch Italy và 5 cúp vô địch châu Âu. Năm 2017, ông bán lại câu lạc bộ cho một đại gia Trung Quốc. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thụy Sỹ hối thúc thực thi thỏa thuận về tiếp nhận người tị nạn, Italy thừa nhận quá tải |
Châu Mỹ
* Mỹ xúc tiến trở lại UNESCO: Ngày 12/6, AP (Mỹ) cho biết Mỹ đã gửi thư đề nghị tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) để thúc đẩy việc trở lại tổ chức này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ quá trình nêu trên sẽ cần có sự đồng ý của các thành viên hiện tại của tổ chức này và Washington hiểu rằng ban lãnh đạo của tổ chức nêu trên sẽ chuyển đề xuất tới các thành viên trong những ngày tới. Hiện nội dung đề xuất vẫn được giữ kín.
Đáng chú ý, Axios cho biết thời gian tới, Mỹ thậm chí có thể vận động để gia nhập Hội đồng chấp hành UNESCO. Hiện đã có nguồn tin cho rằng các nước phương Tây đã dành cho Mỹ một suất trong Hội đồng nếu xứ cờ hoa có ý định quay lại.
Mỹ và UNESCO đã có mối quan hệ đầy sóng gió bốn thập kỷ qua, với tranh cãi chủ yếu về các vấn đề ý thức hệ trong Chiến tranh Lạnh và căng thẳng giữa Israel-Palestine gần đây. Xứ cờ hoa đã đóng góp khoảng 22%, tương đương 80 triệu USD, cho ngân sách của UNESCO đến năm 2011. Tuy nhiên, năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đưa Mỹ rời khỏi UNESCO do cáo buộc tổ chức này bất công với Israel. Nước này hiện còn nợ UNESCO một số khoản đóng góp song đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dành ra 150 triệu USD trong kế hoạch ngân sách hiện tại để trả cho tổ chức này. (AP/Axios)
Trung Đông-Châu Phi
* Iran có thể sớm trao đổi tù nhân với Mỹ: Ngày 12/6, trong cuộc họp báo trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói: “Về vấn đề trao đổi tù nhân với Mỹ, đàm phán đang diễn ra thông qua trung gian… Nếu bên kia thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí tương tự, điều này có thể xảy ra trong tương lai gần”. Một trong số những người Mỹ hiện đang bị giam giữ ở Iran là Siamak Namazi. Nhân vật này là doanh nhân mang hai quốc tịch Mỹ-Iran, bị kết án 10 năm tù vào năm 2016 vì tội làm gián điệp và hợp tác với chính phủ Mỹ.
Trước đó một ngày, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei khẳng định ông “không có vấn đề gì về một thỏa thuận hạt nhân”, chừng nào thỏa thuận bảo đảm quyền lợi của Tehran và không gây tổn hại cho ngành công nghiệp hạt nhân của nước này. (Reuters)