“Có kế hoạch tổ chức một cuộc hội đàm. Về mặt tổ chức, cả Văn phòng Tổng thống và Bộ Ngoại giao Ukraine, gồm người đứng đầu văn phòng Andrey Yermak và Ngoại trưởng Dmitry Kuleba, đều tham gia vào việc này. Chúng tôi chủ động đề nghị tổ chức cuộc hội đàm”, Mikhail Podolyak, cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, nói với kênh truyền hình quốc gia hôm 24/3.
“Tuy nhiên, điều này khá phức tạp. Trung Quốc vẫn chưa tìm được lập trường chính trị mới của họ. Vấn đề là liệu họ có muốn tự mình giải quyết vấn đề giữa Nga và Ukraine hay không, hay họ sẽ thận trọng đứng sang một bên. Theo tôi hiểu, Trung Quốc vẫn chưa tự mình tìm ra điều này”, ông Podolyak nói.
Ông Podolyak cũng cho rằng, Tổng thống Zelensky gần như là nhà lãnh đạo duy nhất có khả năng “làm rõ hậu quả của việc kết thúc chiến tranh một cách sai lầm”, bao gồm cả những quốc gia tự coi mình là trung lập.
Tuần trước, báo Wall Street Journal đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sẽ hội đàm sau chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Nga.
Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đầu tuần này tuyên bố, mặc dù các bên “có những điều cần trao đổi với nhau”, nhưng vẫn chưa rõ liệu các cuộc hội đàm có “chắc chắn diễn ra hay không”.
Khả năng hội đàm trực tiếp giữa ông Tập và ông Zelensky, có thể trở thành cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022, cũng được Mỹ đánh giá cao. Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington khuyến khích nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp cận với Kiev, giải thích rằng “ông Tập nên lắng nghe trực tiếp quan điểm của Ukraine, chứ không chỉ quan điểm của Nga” về cuộc xung đột hiện nay.
Trong khi đó, vào tháng trước, khi được hỏi về khả năng hội đàm giữa ông Tập và ông Zelensky, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh “đã duy trì liên lạc thông suốt với tất cả các bên liên quan, bao gồm Ukraine”, đồng thời nhắc lại cam kết của Trung Quốc về việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Bắc Kinh từng khẳng định nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga – Ukraine. Hồi tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự hoài nghi của Mỹ và phương Tây.
Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng thảo luận về các đề xuất của Bắc Kinh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời nói rằng Moscow đã “nghiên cứu kỹ lưỡng” các đề xuất này.
Mỹ và các đồng minh NATO gần đây liên tục bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc được cho là đang cân nhắc cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.