Đài NBC ngày 5.8 dẫn lời giới chức Ukraine và những người ủng hộ bày tỏ sự tự tin về tiến triển trên chiến trường, nhưng cảnh báo về điều họ cho là những dự báo không thực tế trên truyền thông có thể dẫn đến hiểu lầm rằng Kyiv không thể thắng.
“Hai điều mà chúng tôi luôn kêu gọi các đồng minh của mình là hỗ trợ vũ khí và kiên nhẫn”, theo ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine.
Dù được trang bị vũ khí, thiết bị mới của Mỹ và các nước phương Tây khác như xe tăng, tên lửa tầm xa và đạn pháo, Ukraine thiếu sức mạnh không quân và gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ người Nga.
Công binh Ukraine ngày nào cũng mất người vì bãi mìn Nga
Quân Nga đã gài vô số mìn trên khắp chiến tuyến, lập hàng rào chống tăng và đào hào phòng thủ.
Ukraine phản công nhanh hay chậm?
Kể từ khi cuộc phản công được phát động vào tháng 6, Ukraine đã giành quyền kiểm soát lại khoảng 241 km2 lãnh thổ ở phía nam và phía đông, theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar.
Ông Sak và các quan chức khác nói rằng quân đội Ukraine đã ưu tiên bảo toàn binh lính và vũ khí của mình, trong khi tìm kiếm điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga. Ukraine đã bắt đầu tăng quân ở miền nam tiến hành tấn công quy mô nhỏ để kiểm tra phòng tuyến của Nga.
Một số quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng Ukraine dường như đã chần chừ trong việc triển khai một số đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt nhất của họ, và rằng họ đã không áp dụng các nguyên tắc đã được huấn luyện.
“Có một sự thất vọng là họ đã không sử dụng nhiều hơn sức mạnh chiến đấu mà họ có”, một quan chức Mỹ cho biết. Một quan chức khác cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ yêu cầu cho cuộc phản công, bao gồm 500 xe tăng và hàng trăm xe bọc thép.
Ukraine nói không có khung thời gian cụ thể cho phản công
“Chúng tôi tin tưởng rằng họ có khả năng chiến đấu đáng kể và sẽ sử dụng khả năng đó vào thời gian và địa điểm họ chọn để bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ”, thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder nói với báo giới.
Trong khi đó, giới chức Ukraine bác bỏ việc chiến dịch phản công tiến triển quá chậm. “Hãy nhìn xem, chúng tôi đang đối mặt với một kẻ thù đông hơn về nhân lực, pháo binh và mọi thứ khác. Chúng tôi phải là David trong trận chiến chống lại Goliath, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải thông minh”, ông Sak nói.
Chuyên gia George Barros, một nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), cho biết ông lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông có thể đặt kỳ vọng quá cao đối với người Ukraine.
Ukraine và những người ủng hộ ở phương Tây nói rằng những kỳ vọng không thực tế đó có thể có lợi cho Nga, vì Moscow đang đánh cược rằng các đồng minh NATO theo thời gian sẽ mệt mỏi với việc cung cấp viện trợ quân sự cho Kyiv và cuối cùng sẽ muốn Ukraine đồng ý nhượng bộ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor cho biết có nguy cơ rằng những kết luận quá ảm đạm về triển vọng của Ukraine có thể trở thành một “lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
“Nếu mọi người có nhận thức rằng người Ukraine không thể giành chiến thắng, thì chúng tôi sẽ không cung cấp cho họ những thứ họ cần để giành chiến thắng”, ông phân tích.
Ukraine cho rằng sức mạnh không quân là một trong những lĩnh vực quan trọng mà họ cần sự giúp đỡ của quốc tế.
Nhà Trắng muốn sản xuất thêm đạn dược ‘thiết yếu’ cho Ukraine
Các cựu quan chức và nhà phân tích quân sự cho biết, không có lực lượng không quân đủ mạnh để có thể dọn đường cho lực lượng bộ binh, Ukraine đang cố gắng giành lại lãnh thổ chỉ bằng các đơn vị pháo binh và thiết giáp.
Lực lượng Ukraine và Nga đều không đạt được những bước tiến lớn trong thời gian gần đây. Ông Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corporation (Mỹ), cho rằng không bên nào có cơ hội thực tế để giành được một chiến thắng dứt khoát.
Do đó, Mỹ nên bắt đầu chuẩn bị cho một kết quả bất phân thắng bại và xem xét các lựa chọn cho một giải pháp ngoại giao cuối cùng, ông Charap nói.