Hãng AFP ngày 17.5 dẫn lời phát ngôn viên Không quân Ukraine Yury Ignat khẳng định rằng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp vẫn tiếp tục hoạt động, sau khi Nga tuyên bố đã tấn công trúng hệ thống này.
“Đừng lo, mọi thứ vẫn ổn với hệ thống Patriot. Hệ thống này vẫn đang được dùng”, ông cho biết. Ukraine nhận bàn giao tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ vào tháng 4.
Nga nói tên lửa bội siêu thanh Kinzhal phá hủy hệ thống Patriot Mỹ cung cấp cho Ukraine
Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay hệ thống này dường như bị thiệt hại sau khi bị tên lửa Nga tấn công vào sáng 16.5.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của nước này đã tấn công trúng hệ thống Patriot ở Kyiv bằng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố rằng hệ thống phòng không của mình đã bắn rơi 6 tên lửa bội siêu thanh của Nga, dù Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sau đó bác bỏ thông tin này.
Kyiv kỳ vọng vào “liên minh tiêm kích”
Tờ The Guardian ngày 17.5 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh cam kết của Anh và Hà Lan về việc xây dựng “liên minh quốc tế” nhằm hỗ trợ tiêm kích cho Ukraine, cũng như việc Pháp ủng hộ liên minh.
Nhà lãnh đạo gọi đó là “một khởi đầu tốt cho liên minh”, đồng thời cảm ơn các bên liên quan. Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 16.5 cam kết xây dựng liên minh quốc tế nhằm hỗ trợ cung cấp tiêm kích cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine muốn có bao nhiêu chiếc F-16?
Liên quan chiến sự, hãng TASS đưa tin lực lượng pháo binh Nga đã tấn công một nhóm lớn các binh sĩ Ukraine gần Bakhmut.
Đội hình tên lửa của nhóm chiến đấu phía nam cũng đã tấn công các địa điểm triển khai tạm thời của các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn cơ giới số 24 và 57 của Ukraine. Kyiv chưa bình luận về những thông tin trên.
Trong diễn biến liên quan, trang tin Kyiv Independent dẫn phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW-Mỹ) cho rằng dù Ukraine phản công thành công quanh Bakhmut, lực lượng Nga dường như vẫn quyết củng cố nỗ lực tấn công của họ trong khu vực.
Hôm 16.5, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho hay lực lượng của nước này đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 20 km2 ở vùng ven phía bắc và phía nam Bakhmut. Một ngày trước đó, bà Maliar cho hay lực lượng Nga đang điều động thêm lính dù đến khu vực Bakhmut.
Thỏa thuận ngũ cốc sắp hết hạn
Hãng Reuters đưa tin chuyến tàu cuối cùng dự định sẽ rời cảng tại Ukraine vào ngày 18.5 theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua biển Đen, một ngày trước khi thỏa thuận hết hạn và Moscow không muốn gia hạn do trở ngại của việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết họ sẽ không tham gia vào “các cuộc thảo luận giả định” về những gì Nga sẽ làm nếu thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen hết hiệu lực.
Moscow đã tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận trừ khi một danh sách các yêu cầu đối với việc xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp của chính họ được đáp ứng.
Tổng thống Nam Phi nói đoàn lãnh đạo châu Phi sẽ đến Nga, Ukraine tìm giải pháp hòa bình
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của Đài Tsargrad TV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng khủng hoảng ở Ukraine có thể chấm dứt đơn giản khi Mỹ từ bỏ các đồng minh, “tương tự như ở Ai Cập và Afghanistan”.
Ông bày tỏ hy vọng rằng “các chính trị gia ngày nay sẽ chú ý đến lịch sử liên quan và xem xét mối quan hệ có thể phát triển như thế nào” với Mỹ. Nhà ngoại giao không loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể kết thúc theo cách tương tự.
“Nhiều nhà phân tích chính trị đã viết về điều này. Họ dự đoán rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục chừng nào người Mỹ còn cần. Những người này sẽ tiếp tục nắm quyền chừng nào nước Mỹ còn cần họ”, ông Lavrov nói. Washington chưa bình luận về phát biểu trên.