Cuộc tấn công “kỷ lục”
Quân đội Ukraine cho biết Nga đã bắn 158 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các địa điểm trên khắp Ukraine, bao gồm thủ đô Kyiv, trong cuộc tấn công ngày 29.12. Ukraine đã đánh chặn thành công 114 thiết bị trong số đó, theo AFP. Các trường học, bệnh viện phụ sản, khu mua sắm và khu chung cư nằm trong số các tòa nhà bị tấn công.
Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yury Ignat nói rằng số lượng tên lửa và UAV nói trên là “con số kỷ lục” và đây là “cuộc tấn công tên lửa lớn nhất” trong cuộc chiến đến nay đã kéo dài gần 2 năm, nếu không tính những ngày đầu Ukraine bị bắn phá liên tục. Ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương trong cuộc tấn công, theo Reuters dẫn thông tin do Kyiv đưa ra.
Nga không bình luận trực tiếp thông tin trên. Quân đội Nga cùng ngày cho biết họ đã đánh trúng tất cả các mục tiêu trong hàng chục cuộc tấn công nhằm vào Ukraine hơn một tuần qua, bao gồm cuộc tấn công mới nhất. Moscow cũng khẳng định họ chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự tại Ukraine, theo TASS.
Điểm xung đột: Suy sụp tâm lý đe dọa binh sĩ; lực lượng bảo vệ biển Đỏ của Mỹ khó thành?
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng cuộc tấn công ngày 29.12 đã chứng tỏ không thể có đàm phán về đình chiến với Moscow. “Nga không xem xét bất kỳ kịch bản nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Ukraine”, Reuters trích dẫn tuyên bố.
Các nước phương Tây đã lên án cuộc tấn công ngày 29.12. Moscow trước nay luôn phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine.
Quân đội Ba Lan cho biết một tên lửa có khả năng của Nga đã bay qua không phận Ba Lan hôm 29.12, đi từ Ukraine rồi quay trở lại Ukraine, trong lúc Nga tiến hành cuộc tấn công ở Ukraine. Theo một tướng của Ba Lan, tên lửa ở trong không phận Ba Lan chưa đầy 3 phút.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cáo buộc Ukraine đã bắn ba tên lửa HARM do Mỹ sản xuất vào khu vực Belgorod của Nga. “Ba tên lửa HARM của Ukraine do Mỹ sản xuất đã bị hệ thống phòng không phá hủy trên lãnh thổ khu vực Belgorod”, Reuters dẫn tuyên bố từ cơ quan này.
Nga cảnh báo phương Tây về việc tịch thu tài sản
Điện Kremlin ngày 29.12 cảnh báo phương Tây rằng họ có một danh sách tài sản của Mỹ, châu Âu và các tài sản khác để tịch thu nếu các nhà lãnh đạo G7 vẫn quyết tâm theo đuổi việc tịch thu 300 tỉ USD dự trữ ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng.
Các nhà lãnh đạo của G7 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada) dự kiến thảo luận về cơ sở pháp lý mới cho phép tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga khi họ gặp nhau vào tháng 2, theo các nguồn tin của Reuters.
Nga chi 12 tỉ USD để giúp ngành hàng không sống sót
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết bất kỳ động thái nào như vậy của phương Tây đều sẽ bị xem là tương đồng với hành vi “trộm cắp”, vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các đồng tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu cũng như nền kinh tế thế giới.
“Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào các thông số chính của kinh tế quốc tế, sẽ làm suy yếu kinh tế quốc tế… Việc đó sẽ làm suy yếu niềm tin của các quốc gia khác vào Mỹ cũng như EU… Vì vậy, những hành động như vậy sẽ gây ra những hậu quả rất, rất nghiêm trọng”, ông Peskov nói trong cuộc họp báo ngày 29.12, theo Reuters.
Khi được hỏi liệu ông có danh sách cụ thể các tài sản phương Tây mà Nga có thể tịch thu để trả đũa hay không, ông Peskov trả lời là “có”. Song ông từ chối cung cấp thông tin về bất cứ tài sản cụ thể nào nằm trong danh sách này.
Tướng Đức đánh giá Nga tổn thất lớn
Thiếu tướng Christian Freuding, phụ trách giám sát sự hỗ trợ của quân đội Đức dành cho Ukraine, mới đây cho rằng Nga đã chịu tổn thất to lớn về người và vật chất ở Ukraine, và quân đội Nga sẽ suy yếu sau cuộc xung đột.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung được đăng hôm 29.12, ông Freuding nói: “Bạn biết rằng theo số liệu tình báo phương Tây, 300.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng đến mức họ không thể được huy động nữa cho cuộc chiến”.
Tổng tư lệnh Ukraine: Kém lực lượng, công nghệ, Ukraine sẽ chịu thêm tổn thất như Bakhmut
Ông Freuding còn nói Nga cũng bị cho là đã mất hàng ngàn xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. “Các lực lượng vũ trang Nga sau cuộc chiến này sẽ bị suy yếu cả về nhân sự lẫn vật chất”, ông bình luận.
Tuy nhiên, ông cho rằng Nga đang thành công trong việc tiếp tục tuyển quân “bao gồm cả việc sử dụng tù nhân”. Vị tướng Đức cũng thừa nhận Nga đang thể hiện “khả năng phục hồi” cao hơn những gì phương Tây nghĩ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022.
Moscow không lập tức đưa ra bình luận.