Vệ binh Nga có thể tiếp quản khí tài từ lực lượng Wagner, Tổng thống Ba Lan tới Kiev, diễn biến tích cực ở Sudan… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định vai trò của Belarus trong tháo gỡ căng thẳng giữa Nga và Wagner. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* UAV giá rẻ của Nga đe dọa Ukraine: Ngày 28/6, chia sẻ với Reuters, quân nhân Ukraine từ bốn đội pháo binh khác nhau cho rằng Lancet, máy bay không người lái (UAV) “cảm tử” giá rẻ, đang là mối đe dọa ngày càng lớn. Nhiều video do các kênh truyền thông xã hội thân Nga đăng tải tháng trước cho thấy UAV này đã làm hư hại hoặc phá hủy thiết bị do phương Tây tài trợ như xe tăng chiến đấu Leopard 2 và pháo tự hành Caesar.
Theo phía Nga, một UAV Lancet có giá 3 triệu ruble (35.000 USD). Ở chiều ngược lại, giá trị ước tính của một tên lửa S-300 được Nga sử dụng có giá ít nhất vài trăm nghìn USD, trong khi xe tăng Leopard 2 là vài triệu USD. Đáng chú ý, trong những tháng gần đây, UAV này đã xuất hiện ngày càng nhiều. (Reuters)
* Ukraine: Nga pháo kích tại Kramatorsk và Kharkov: Ngày 28/6, viết trên Telegram, Thống đốc vùng Kharkov, ông Oleh Synehubov cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng sau vụ pháo kích vào làng Vovchanski Khutory cùng ngày.
Trong khi đó, giới chức Ukraine cũng đã thông báo thêm về thương vong sau vụ bắn tên lửa của Nga nhằm vào một nhà hàng ở thành phố Kramatorsk ngày 27/6.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho hay ngày 27/6, Nga đã phóng hai quả tên lửa vào một khu vực đông dân cư ở thành phố Kramatorsk, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương.
Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định, quân đội Nga chỉ tấn công các mục tiêu quân sự. (AFP/Reuters)
* Bộ trưởng Ukraine tuyên bố chưa huy động quân dự bị chính: Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Financial Times (Anh) đăng ngày 28/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã bác bỏ các thông tin truyền thông cho rằng cuộc phản công của Ukraine vào các vị trí của Nga đang diễn ra chậm chạp.
Ông cho biết việc giành lại các các ngôi làng Ukraine nằm trong quyền kiểm soát của Nga những tuần gần đây “không phải là sự kiện chính” trong kế hoạch phản công của Kiev. Bộ trưởng Oleksiy Reznikov nhấn mạnh quân dự bị chính của Ukraine, bao gồm hầu hết các lữ đoàn vừa được đào tạo ở phương Tây và được trang bị xe tăng hiện đại và xe bọc thép của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn chưa được huy động trong đợt phản công trên. (Financial Times)
* Ukraine: Không cần hòa giải với Nga: Ngày 27/6, Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine, ông Andryi Yermak nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi là rõ ràng và đã được bày tỏ công khai: chúng tôi không cần bất kỳ sự hòa giải nào và đó là bởi chúng tôi đã có trải nghiệm tồi tệ. Chúng tôi không tin vào Nga”. (Reuters)
* Nga đánh giá cao vai trò tích cực của Trung Quốc về vấn đề Ukraine: Phát biểu ngày 28/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey nói: “Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và tham vấn với Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc trước đó, chúng tôi đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề liên quan tới cả chương trình nghị sự song phương và vấn đề quốc tế khu vực. Chúng tôi có ấn tượng rằng phía Trung Quốc vẫn quan tâm nỗ lực gìn giữ hòa binh”.
Theo ông, quan điểm của hai nước về nhiều vấn đề là “gần như tương đồng và rất gần gũi”, trong đó bao gồm diễn biến tại Ukraine. Cả Nga và Trung Quốc đều không coi vấn đề Ukraine là một cuộc đối đầu đơn thuần giữa Moscow và Kiev. (TASS)
* Nga nhận định về gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine: Ngày 28/6, Đại sứ quán Nga tại Washington nhấn mạnh: “Với việc cung cấp thêm các thiết bị quân sự, Washington chỉ khẳng định nỗi ám ảnh của mình với ý tưởng gây ra một thất bại chiến lược đối với Liên bang Nga. Để làm được điều này, chính quyền Mỹ đã đẩy các đối tác đến những cuộc phiêu lưu ngày càng liều lĩnh hơn”.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 500 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm 30 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 25 xe bọc thép chở quân Stryker, hệ thống phòng không Stinger cũng như nhiều loại vũ khí khác cho hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). (Sputnik)
* Nga, Ukraine nêu quan điểm về nỗ lực hòa giải của Vatican: Ngày 28/6, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến của Vatican và hoan nghênh nguyện vọng của Giáo hoàng trong việc đóng góp vào nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang (ở Ukraine)”. Ông Peskov cũng cho biết theo yêu cầu của ông Putin, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin sẽ hội đàm với Đức Hồng y Matteo Zuppi, người dự kiến sớm đặt chân tới xứ bạch dương vài ngày tới.
Về phần mình, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak không tin tưởng rằng Vatican có thể thúc đẩy thành công một thỏa thuận hòa bình. Song ông nhận định nếu Đức Hồng y Zuppi đạt kết quả về vấn đề trẻ em trục xuất sang Nga và tù nhân, Ukraine sẽ hoan nghênh các kết quả này. (Reuters/Sputnik)
* Thụy Sĩ từ chối đề nghị chuyển xe tăng sang Ukraine: Ngày 28/6, Hội đồng Liên bang Thuỵ Sĩ đã từ chối đề nghị của công ty quân sự Ruag về chuyển 96 mẫu xe tăng Leopard 1 A5 sang Ukraine. Theo thông báo, Hội đồng Liên bang coi thương vụ trên đồng nghĩa với hành động liên quan tới chiến tranh và ảnh hưởng tới những điều chỉnh trong chính sách trung lập của Thụy Sĩ. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine ‘khẩn trương’ hiện đại hóa vũ khí trong nước, tiết lộ Nga đang sở hữu một thứ có khả năng đe dọa lực lượng Kiev |
* Liên hợp quốc lên tiếng về cáo buộc của Nga với Mỹ: Ngày 28/6, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ của nước đặt trụ sở các tổ chức quốc tế, trong bối cảnh có Nga cáo buộc cơ quan tình báo Mỹ gây áp lực tâm lý đối với các nhân viên của phái bộ thường trực xứ bạch dương tại LHQ. Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Farhan Haq nói: “Điều duy nhất tôi muốn nói là chúng tôi thường xuyên liên lạc với Mỹ với tư cách là nước đặt trụ sở. Chúng tôi sẽ kêu gọi Mỹ tuân thủ tất cả các cam kết về đối xử với phái đoàn nước ngoài”.
Trước đó, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Maria Zabolotskaya cho biết, tình báo Mỹ đang tìm cách gây áp lực tâm lý với các thành viên của phái bộ thường trực Nga tại đây. Bà nói: “Thông tin cập nhật chúng tôi nhận được cho thấy rõ ràng Mỹ tiếp tục thực hiện một loạt các biện pháp và hạn chế đối với phái bộ thường trực của chúng tôi và các thành viên, nhằm giảm hiệu quả tương tác của chúng tôi với LHQ và gây áp lực tâm lý lên các nhà ngoại giao Nga”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Quan chức Nga: Phương Tây có ‘vũ khí’ khiến kinh tế thế giới phân mảnh |
Đông Nam Á
* Nhật Bản, Australia tập trận chung ở Biển Đông: Ngày 27/6, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) cho biết, tàu khu trục trực thăng JS Izumo (DDH-183) và tàu khu trục JS Samidare (DD-106) đã tập trận với tàu khu trục HMAS Anzac (FFH150) của Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) và một máy bay Tuần tra Hàng hải (MPA) P-8A Poseidon thuộc Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) ở Biển Đông. Cuộc tập trận trong khuôn khổ Triển khai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2023 (IPD23) này đã tập trung vào hoạt động chiến thuật, bao gồm tác chiến chống tàu mặt nước và phòng không.
Theo Chuẩn Đô đốc Nhật Bản Takahiro Nishiyama, cả hai nước đều được coi là “đối tác chiến lược đặc biệt” của nhau ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nêu rõ: “Quan hệ giữa JMSDF và RAAF mạnh mẽ và quan trọng hơn lúc nào hết. JMSDF sẽ thúc đẩy cải thiện khả năng tương tác và hiểu biết lẫn nhau với RAN nhằm cải thiện môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. (USNI)
TIN LIÊN QUAN | |
Australia-Nhật Bản triển khai cuộc tập trận chung Trident 2023 ở Biển Đông |
Nam Thái Bình Dương
* New Zealand, Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác: Ngày 28/6, thông cáo của Wellington cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân, Thủ tướng nước này Chris Hipkins và người đồng cấp nước chủ nhà Lý Cường có cuộc gặp quan trọng. Trong đó, hai bên đã bàn về nhiều vấn đề như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Đồng thời, các đại diện của Wellington đã ký với phía Bắc Kinh một loạt thỏa thuận hợp tác về thương mại, nông-lâm nghiệp, giáo dục và khoa học-đổi mới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thêm một quốc gia ‘chạm tay’ vào suy thoái |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc áp đặt trừng phạt với người Nga gốc Triều Tiên: Ngày 28/6, Bộ Ngoại giao nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương mới với 2 cá nhân và 2 tổ chức, trong đó có một công dân Nga gốc Triều Tiên. Ông Choi Chon Gon, từng là công dân Hàn Quốc, được cho là đã lập công ty bình phong Triều Tiên tên Hanne Ulaan LCC tại Mông Cổ nhằm trốn tránh trừng phạt quốc tế, trong khi đảm bảo tài trợ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Ông cũng bị cáo buộc tài trợ bất hợp pháp cho Triều Tiên qua Epsilon, công ty thương mại tại Nga, bằng quan hệ đối tác đầu tư chung với So Myong, người đứng đầu chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên tại Vladivostok, Nga.
Như vậy, đây là biện pháp trừng phạt đơn phương thứ 9 của Hàn Quốc đối với Triều Tiên kể từ khi chính quyền ông Yoon Suk Yeol nhậm chức tháng 5/2022 và lần đầu tiên thêm cá nhân nước ngoài gốc Triều vào danh sách đen. (Yonhap)
* Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản về vấn đề bắt cóc công dân: Ngày 28/6, KCNA (Triều Tiên) dẫn lời chuyên gia Ri Pyong-dok, Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, lưu ý vấn đề bắt cóc công dân đã được giải quyết “triệt để và không thể đảo ngược”, cho rằng Tokyo chú trọng tới một vấn đề “không khả thi”.
Nhà nghiên cứu này cũng nhận định việc đề cập các vấn đề đã được giải quyết sẽ đi ngược lại nguyện vọng của Nhật Bản về một hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên mà không cần các điều kiện tiên quyết. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: Trung Quốc đang ở vị thế duy nhất để khuyến khích Triều Tiên ngừng phóng tên lửa |
Châu Âu
* Vệ binh quốc gia Nga có thể tiếp nhận khí tài Wagner: Ngày 27/6, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, ông Viktor Zolotov cho hay lực lượng này có thể được trang bị xe tăng và xe bọc thép sau khi quân đội nhận lại khí tài quân sự từ tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.
Ông nói: “Chúng tôi không có xe tăng hay vũ khí hạng nặng tầm xa. Chúng tôi sẽ cung cấp cho lực lượng của mình những thứ đó tuỳ thuộc vào tài chính”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang chuẩn bị tiếp nhận khí tài bị tịch thu từ Wagner sau vụ nổi dậy vừa qua.
Vệ binh quốc gia Nga được thành lập năm 2016 để hỗ trợ cảnh sát duy trì trật tự công cộng và chịu trách nhiệm trước Tổng thống Nga Vladimir Putin. (TTXVN)
* Bahrain ủng hộ nỗ lực trấn áp lực lượng Wagner: Ngày 28/6, Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Quốc vương Bahrain, Hamad bin Isa al-Khalifa cùng ngày. Trong cuộc điện đàm, Quốc vương Bahrain đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp do nhà lãnh đạo xứ bạch dương thực hiện để ngăn chặn cuộc nổi dậy vũ trang của lực lượng Wagner. (Reuters)
* Tổng thống Belarus hé lộ ‘hậu trường’ vụ Wagner, khẳng định quan điểm: Ngày 27/6, trao đổi với giới chức an ninh, nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko cho biết: “Tôi đã nói với ngài Putin: chúng ta có thể tiêu diệt (ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn Wagner), không vấn đề gì. Nếu không phải trong lần đầu, thì sẽ trong lần thứ hai. Vì thế, tôi đã nói với ông ấy: đừng làm điều này”.
Sau khi thống nhất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã trao đổi qua điện thoại với ông Prigozhin để Wagner dừng tiến quân về Moscow và có hành động giảm leo thang.
Đồng thời, nhà lãnh đạo này cũng cho biết Belarus sẽ không xây dựng bất kỳ doanh trại nào cho các binh sĩ Wagner hay mở cơ sở tuyển dụng trên lãnh thổ Minsk. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ tiếp nhận lực lượng này nếu họ muốn: “Hiện chúng tôi đã đề nghị cho họ một trong những căn cứ quân sự bỏ hoang.” (BELTA)
* Tổng thống Ba Lan đến Kiev: Ngày 28/6, Văn phòng Tổng thống Ba Lan thông báo Tổng thống Andrzej Duda đang có mặt ở Kiev để hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Viết trên Twitter, cơ quan này nêu rõ: “Cuộc hội đàm với ông Zelensky có liên quan đến… tình hình hiện tại trên thực địa, bao gồm cả khả năng về Nga triển khai đợt tấn công đằng sau Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7 cũng sẽ được thảo luận”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ viện trợ vũ khí trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, đưa Wagner vào ‘tầm ngắm’ |
Trung Đông-châu Phi
* Quân đội Sudan tuyên bố ngừng bắn đơn phương: Ngày 27/6, viết trên mạng xã hội, lực lượng này dẫn lời Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội Đồng chủ quyền và chỉ huy Quân đội Sudan thông báo: “Các lực lượng vũ trang tuyên bố ngừng bắn đơn phương vào ngày đầu tiên của Eid Al-Adha”. Về phần mình, trước đó một ngày, Chỉ huy nhóm bán quân sự Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo cũng đơn phương tuyên bố ngừng bắn ở Sudan trong kỳ lễ này. Eid al-Adha là một trong các ngày lễ lớn của đạo Hồi. (Sputnik)
* Đức đẩy nhanh việc rút quân khỏi Mali: Ngày 28/6, phát biểu với đài truyền hình ZDF, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nêu rõ: “Đối với chúng tôi, điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ cố gắng rút quân khỏi Mali nhanh hơn nữa, nhưng vẫn theo cách có trật tự”. Hiện Đức đang tìm cách rút tất cả 1.000 binh lính ra khỏi Mali sớm hơn so với kế hoạch ban đầu là tháng 5/2024, trong bối cảnh LHQ dự kiến kết thúc phái bộ quân sự ngày 30/6. (ZDF)