Theo đài CNN, chỉ riêng trong tháng này, Nga đã tiến hành 8 đợt tấn công tên lửa vào thủ đô Kyiv của Ukraine, trong đó mới nhất là vụ phóng ít nhất 18 tên lửa và một loạt máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, Kyiv tuyên bố đã ngăn chặn tất cả, và khẳng định không có mục tiêu nào bị hư hại trong các đợt tấn công nói trên.
Trước thông báo này, các chỉ huy quân sự Nga, cũng như giới phân tích phương Tây đã đặt câu hỏi về điều gì đã khiến hệ thống phòng không của Ukraine đột nhiên trở nên bất khả xâm phạm như vậy.
Nga nói tên lửa bội siêu thanh Kinzhal phá hủy hệ thống Patriot Mỹ cung cấp cho Ukraine
Sự phóng đại của Ukraine?
Cho đến gần đây, hầu hết chuyên gia phân tích và thậm chí là các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn không tin rằng hệ thống phòng không của Ukraine đủ khả năng đẩy lùi một cuộc tấn công kéo dài của Nga.
Mới tháng trước, các tài liệu của chính phủ Mỹ bị rò rỉ cho biết kho tên lửa phòng không tầm trung Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô đã cạn kiệt nghiêm trọng. Trong khi đó, ngay cả ông Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy, gần đây cũng thừa nhận với CNN rằng hệ thống phòng không của Kyiv “không đủ tốt để đối phó” với đợt tấn công dồn dập của Nga.
Những đánh giá này diễn ra sau cuộc tấn công ngày 9.3, trong đó Nga phóng 84 tên lửa vào các thành phố lớn trên khắp Ukraine. Thời điểm đó, ngay cả Kyiv cũng thừa nhận 6 tên lửa đạn đạo Kinzhal của Nga đã vượt qua được hệ thống phòng không của Ukraine.
Nga càng tập kích tên lửa, năng lực phòng không Ukraine càng tăng tiến?
Không chỉ nhờ vào Patriot
Mặc dù nói rằng tuyên bố từ Kyiv có yếu tố phóng đại, các chuyên gia cũng thừa nhận vũ khí phương Tây có thể đã giúp củng cố hệ thống phòng không Ukraine. Một số nhà quan sát đồng ý rằng hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot do Mỹ sản xuất đã góp phần thay đổi cục diện chiến trường. Mỹ và Đức, mỗi nước đã cung cấp một tổ hợp Patriot cho Ukraine.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), tên lửa Patriot có thể tấn công máy bay tầm cao và tầm trung, tên lửa hành trình và một số tên lửa đạn đạo. Hệ thống Patriot được đánh giá là có sức mạnh “ghê gớm” đến mức Nga đã quyết sẽ loại bỏ chúng.
Giới chuyên môn tin rằng làn sóng không kích ồ ạt trong tháng này của Moscow được thiết kế để phá hủy Patriot. Hai quan chức Mỹ giấu tên nói rằng các cuộc không kích của Nga hôm 16.3 có thể đã làm hư hại, nhưng chưa thể phá hủy, một trong những hệ thống Patriot của Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Bên cạnh đó, theo CSIS, Kyiv cũng nhận được nhiều tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung từ các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác. Các hệ thống tiên tiến nhất hiện có, bao gồm IRIS-T của Đức và Hawk (tiền thân của Patriot), được cho là đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố hệ thống phòng thủ trên không của Ukraine.
Chiến đấu cơ F-16 sẽ bất lực ở Ukraine trước hệ thống phòng không Nga?
Tướng Serhiy Nayev, chỉ huy lực lượng Ukraine đóng ở biên giới với Belarus và Nga, cũng cho biết hệ thống phòng không Avenger của Mỹ, được gắn trên xe Humvee, hiện đang được sử dụng để bảo vệ các thành phố lớn và lực lượng mặt đất của Ukraine gần tiền tuyến. Vị tướng này mô tả Avenger là “một sự thúc đẩy rất quan trọng” cho lực lượng phòng không của Ukraine, theo đài ABC News.
Ngoài ra, theo Ukraine, những vũ khí mà nước này sở hữu từ trước khi xung đột nổ ra, chủ yếu là các hệ thống thời Liên Xô bao gồm tên lửa phòng không tầm trung S-300 và Buk M1, cũng chứng minh tỷ lệ thành công khoảng 80%.
Ưu tiên hàng đầu của Ukraine lúc này
Dù vậy, theo các tài liệu được cho là bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, Kyiv đang nhanh chóng hết đạn cho các hệ thống thời Liên Xô. Theo đó, CSIS cho rằng với số lượng tên lửa hạn chế còn lại, Ukraine cần phân bổ cho các ưu tiên cao nhất, bao gồm ngăn chặn máy bay hoặc tên lửa Nga hướng tới các mục tiêu nhạy cảm nhất của Kyiv, CNN đưa tin.
Chờ phòng không Ukraine suy yếu, Nga mới tung vũ khí đặc biệt?
Theo quân đội Ukraine, Nga gần đây đã tung hàng loạt cuộc tấn công từ nhiều hướng và bằng nhiều loại vũ khí để làm suy yếu các hệ thống phòng không của Kyiv, nhằm tạo điều kiện cho các làn sóng không kích tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Ian Wiliams thành viên thuộc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS dự đoán rằng kho tên lửa Nga có thể đã cạn kiệt, trong khi đồng minh vẫn có ý định tiếp tục viện trợ Ukraine. Theo ông Williams, trong phạm vi có thể, việc bổ sung các máy bay đánh chặn và các thiết bị phòng không “hiện vẫn phải là ưu tiên hàng đầu trong các gói viện trợ quân sự phương Tây”.