EU mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang Belarus nhằm vào Nga, Pakistan “âm thầm” thông qua hiệp ước an ninh với Mỹ, Nga quảng cáo tuyển quân tại Kazakhstan, Mỹ điều tra an toàn 280.000 xe điện mới của Tesla… là một số tin quốc tế đáng chú ý trong 24 giờ qua.
Mỹ lần đầu tiên phóng thử tên lửa ATACMS ở Australia. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga- Ukraine
*Tổng thống Putin lên án âm mưu phá hoại của phương Tây nhằm vào Nga: Trong cuộc họp với các thành viên chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chính sách của chính quyền Ukraine và phương Tây, những bên tìm cách hủy hoại mọi thứ liên quan đến Nga, đều không có tương lai.
Đề cập đến sự hội nhập của các khu vực mới của Nga vào văn hóa nước này, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nói đúng ra, cư dân của những khu vực mới đó chưa bao giờ rời khỏi không gian này, vì họ trân trọng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và rất quan tâm đến di sản văn học vĩ đại của Nga. Tôi biết rằng họ yêu thích các tác phẩm của những người đồng hương lỗi lạc của chúng ta”.
Tổng thống Putin tuyên bố: “Và điều này bất chấp mọi ý đồ của chính quyền Ukraine đương nhiệm nhằm cấm các tác phẩm kinh điển và sách đương đại của Nga, loại khỏi các cửa hàng và thư viện, và trên hết là xóa sạch các tác phẩm này. Cả Kiev và những người nắm quyền ở phương Tây đều mơ mộng xóa sổ mọi thứ hoặc bất kỳ ai nghĩ, nói hoặc đọc bằng tiếng Nga”.
Tổng thống Putin kết luận: “Các vùng đất Donbass và Novorossiya của Nga từ thời xa xưa đã trở về quê hương, đã hội nhập với nhau. Chúng ta đang từng bước xây dựng lại các vùng đất này, thiết lập cuộc sống hòa bình ở các vùng lãnh thổ được giải phóng, bao gồm cả lĩnh vực văn hóa và giáo dục”.(TASS
*Ukraine bắt giữ quan chức giúp công dân trốn lính: Cơ quan giám sát phòng chống tham nhũng Ukraine ngày 3/8 thông báo đã bắt giữ một quan chức thuộc lực lượng vũ trang Ukraine với cáo buộc giúp nam giới trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự vượt biên trái phép để đổi lấy một khoản thanh toán bằng tiền mặt.
Kể từ khi Kiev ban hành thiết quân luật sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi năm ngoái, những người đàn ông khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi đã bị cấm rời khỏi đất nước và có thể bị gọi nhập ngũ bất cứ lúc nào.
Trong tuyên bố, Cục Điều tra Nhà nước Ukraine cho hay quan chức trên, làm việc trong chính quyền thành phố Kiev và đứng đầu một bộ phận trong quân đội, đã đưa ra các giấy tờ giả tuyên bố rằng những người đàn ông không phù hợp để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo đó, ai có khả năng cung cấp những giấy tờ này được phép vượt biên, và giá dịch vụ cho mỗi người là 10.000 USD.(AFP
*Nga quảng cáo hấp dẫn để tuyển quân tại Kazakhstan: Các quảng cáo về việc trả ngay hơn 5.000 USD cho việc gia nhập quân đội Nga đã bắt đầu xuất hiện trên màn hình ứng dụng của người dùng Internet tại Kazakhstan trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang leo thang.
Kazakhstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có chung đường biên giới với Nga, là quê hương của hơn 3 triệu người dân tộc Nga và vẫn luôn là một trong những đồng minh truyền thống thân cận nhất của Moscow.
Tuy nhiên, chính phủ Astana đã không ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow và đã lên tiếng kêu gọi hòa bình.
Hoạt động quảng cáo trên nhằm rõ ràng vào người Kazakhstan, với hình ảnh quốc kỳ Nga và Kazakhstan cùng khẩu hiệu “Vai kề vai”. Các quảng cáo này hứa hẹn sẽ trả một lần 495.000 ruble (5.300 USD) cho những người kí hợp đồng với quân đội Nga, cùng với đó là mức lương tháng tối thiểu 190.000 ruble (2.000 USD) cùng những lợi ích bổ sung khác.
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Tướng Nga nêu thời điểm Kiev tiến hành đợt phản công thứ hai, Tổng thống Zelensky điện đàm Thủ tướng Đức Scholz |
Các quảng cáo đó được liên kết đến một trang web cung cấp cho các tân binh tiềm năng một cơ hội gia nhập quân đội Nga tại khu vực Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga. Trang web này thể hiện chủ sở hữu là Cơ quan Phát triển Nhân lực của vùng Sakhalin, một tổ chức do chính quyền địa phương tại đây lập ra.
Trong khi đó, người dân một số quốc gia Trung Á khác thuộc Liên Xô trước đây cho biết một số đồng bào của họ cũng đã gia nhập quân đội Nga hoặc các tập đoàn quân sự tư nhân như Wagner, song việc tuyển dụng thường được tiến hành trên lãnh thổ Nga.
Theo luật Kazakhstan, việc tham gia các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài để được trả tiền bị coi là bất hợp pháp. Hiện Bộ Thông tin và Phát triển Xã hội Kazakhstan vẫn chưa đưa ra bình luận về các quảng cáo nói trên. (AFP)
Châu Âu:
*Các quốc gia Baltic muốn tách khỏi lưới điện của Nga: Estonia, Litva và Latvia đang tìm cách ngắt kết nối khỏi mạng lưới năng lượng dùng chung với Nga và Belarus vào tháng 2/2025.
Trong tuyên bố ngày 3/8, Bộ Năng lượng Litva cho biết các nhà điều hành lưới điện của 3 quốc gia đã ký một thỏa thuận kêu gọi việc ngắt kết nối này.
Trước đó, 3 quốc gia Baltic này đã nhất trí nâng cấp cơ sở hạ tầng của họ và ngắt kết nối với lưới điện của Nga trong một thỏa thuận năm 2018 với sự hỗ trợ của Ba Lan và Ủy ban châu Âu. Thỏa thuận này cần 1,6 tỷ euro (1,61 tỷ USD) tài trợ của EU.
Ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã ngừng nhập khẩu điện của Nga, nhưng vẫn là một phần của lưới điện đồng bộ chung với Nga và Belarus, được gọi là hệ thống vòng “BRELL”.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng việc tách khỏi lưới điện sẽ được thông báo chính thức tới các nhà điều hành lưới điện chung của các nước Baltic, Nga và Belarus vào tháng 8 năm sau.(TASS)
*EU mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang Belarus, nhằm vào Nga: Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3/8 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ sang Belarus do lo ngại nước này có thể tiếp tục củng cố lĩnh vực quân sự và công nghệ.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Các biện pháp mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang Belarus đối với một số hàng hóa và công nghệ có tính nhạy cảm cao, có khả năng góp phần tăng cường công nghệ và quân sự của Belarus. Hội đồng châu Âu cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu bổ sung đối với súng và đạn dược, cũng như đối với hàng hóa và công nghệ phù hợp để sử dụng trong ngành hàng không và vũ trụ”.
Theo EC, các biện pháp mới sẽ giúp đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga “không thể bị phá vỡ thông qua Belarus“.(Sputniknews)
TIN LIÊN QUAN | |
Giải pháp cho xung đột Nga-Ukraine: Đàm phán hay tập hợp lực lượng? |
*Nga tuyên bố ủng hộ mở rộng BRICS: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/8 tuyên bố Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ được củng cố khi kết nạp thêm thành viên mới. Đây được xem là phát biểu ủng hộ rõ ràng nhất đối với ý tưởng mở rộng BRICS.
Trước đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố việc BRICS kết nạp Saudi Arabia, cùng Argentina và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sẽ là điều “cực kỳ quan trọng”, nếu những nước này muốn.
Theo ông Peskov, Nga có mối quan hệ mang tính xây dựng với cả 3 nước trên nhưng khẳng định sẽ không đưa ra quyết định gì trước khi chủ đề về mở rộng BRICS được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh nhóm này ở Nam Phi từ ngày 22-24/8 tới.
Moscow đánh giá cao mối quan hệ với các nước đang phát triển, những nước không lên án hành động của Nga ở Ukraine, và muốn tăng cường giao thương với Nga, để vô hiệu hóa tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt nhằm vào nền kinh tế Nga. (Reuters
*Ba Lan cáo buộc Wagner âm mưu gây bất ổn ở sườn Đông NATO: Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 3/8 cảnh báo các lực lượng thuộc tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga đang tiến gần tới sườn phía Đông của NATO hòng gây bất ổn.
Một số lượng chưa xác định các chiến binh Wagner bắt đầu huấn luyện cùng với quân đội quốc gia Belarus, buộc Ba Lan phải di chuyển hơn 1.000 binh sĩ tiến sát khu vực biên giới.(Reuters)
Châu Á- Thái Bình Dương
*Pakistan “âm thầm” thông qua hiệp ước an ninh với Mỹ: Chính phủ liên bang Pakistan “âm thầm” thông qua một hiệp ước an ninh quan trọng với Mỹ, mở đường cho việc mua sắm thiết bị quân sự từ Washington.
Theo các nguồn thạo tin từ Chính phủ Pakistan, chính phủ của Thủ tướng Shebaz Sharif đã phê chuẩn việc ký kết Bản ghi nhớ về Thỏa thuận khả năng tương tác và bảo mật truyền thông (CIS-MOA) giữa hai nước bằng việc lưu hành một bản tóm tắt. Tuy nhiên, Pakistan và Mỹ vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về diễn biến này. Các nguồn tin cũng xác nhận chứng kiến việc lưu hành bản tóm tắt về CIS-MOA trong cuộc họp của nội các liên bang. Tuy nhiên, các nguồn tin không xác nhận liệu đa số thành viên nội các hiện tại có chấp thuận hay không.
CIS-MOA là một thỏa thuận mà Mỹ ký kết với các đồng minh và các quốc gia có ý định duy trì quan hệ quân sự và quốc phòng chặt chẽ. Theo CIS-MOA, Washington cũng có được vỏ bọc pháp lý để Bộ Quốc phòng Mỹ bán thiết bị và phần cứng quân sự cho các quốc gia khác. Việc ký kết CIS-MOA chứng tỏ rằng cả hai bên đều mong muốn duy trì một cơ chế thể chế.
Pakistan trước đây từng tham gia thỏa thuận này trong 15 năm, từ tháng 10/2005 tới khi hết hạn vào năm 2020. Theo thỏa thuận mới nhất năm 2023, được cho là cũng có hiệu lực 15 năm, cả hai bên đã đồng ý cùng tổ chức các cuộc tập trận, hoạt động, huấn luyện, thiết lập căn cứ và thiết bị chung. (The News)
TIN LIÊN QUAN | |
Lý do Pakistan triệu Phó Đại sứ Mỹ; quan chức Ấn Độ tỏ thái độ về bình luận của cựu Tổng thống Obama |
*Ấn Độ sẽ tham gia hội nghị hoà bình cho Ukraine: Ngày 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi khẳng định nước này sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine do Saudi Arabia tổ chức vào ngày 5 và 6/8.
Phát biểu họp báo, ông Bagchi xác nhận Ấn Độ đã được mời tham gia cuộc hòa đàm do Saudi Arabia tổ chức ở thành phố Jeddah. Ông nói: “Ấn Độ sẽ tham gia sự kiện này. Sự tham gia này phù hợp với lập trường lâu nay của chúng tôi rằng đối thoại và ngoại giao là con đường thúc đẩy giải quyết những bất đồng”.
Ngoài Ấn Độ, Saudi Arabia đã mời các quốc gia phương Tây, Ukraine và một số nước đang phát triển có tiếng nói quan trọng tới thảo luận về kế hoạch hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất hồi đầu năm nay.
Ukraine tuyên bố Nga không được chào đón tại cuộc đàm phán này. Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky kêu gọi rút tất cả quân đội Nga và khôi phục biên giới hậu Xô Viết của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham gia kế hoạch hòa bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua.(TTXVN
*Mỹ ủng hộ Ấn Độ và Pakistan đối thoại trực tiếp: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 2/8 cho biết Mỹ ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan về các vấn đề cùng quan tâm. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Miller khẳng định rằng đây là lập trường từ lâu nay của Mỹ.
Trước đó 2 ngày, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã đề nghị tổ chức đàm phán với Ấn Độ để giải quyết tất cả các vấn đề nghiêm trọng và nổi cộm giữa hai nước.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn căng thẳng về một số vấn đề, bao gồm việc Islamabad tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới và vấn đề Kashmir.
Mối quan hệ song phương Pakistan – Ấn Độ trở nên căng thẳng hơn kể từ tháng 8/2019 khi Ấn Độ thay đổi quy chế đặc biệt của Jammu & Kashmir.
Ấn Độ đã khẳng định rằng họ mong muốn có quan hệ láng giềng bình thường với Pakistan trong khi nhấn mạnh rằng trách nhiệm của Islamabad là tạo ra một môi trường không có khủng bố và thù địch cho một cam kết như vậy. Ấn Độ cũng khẳng định rằng Jammu & Kashmir “đã, đang và sẽ” luôn là một phần của nước này. (The Nation)
TIN LIÊN QUAN | |
Pakistan nhất trí mở rộng quan hệ với Mỹ trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc |
*Trung Quốc muốn Nhật Bản không ủng hộ mở rộng NATO: Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy ngày 3/8 cho biết Bắc Kinh đã khuyên Tokyo ngừng việc ủng hộ mở rộng NATO. Nhà ngoại giao Trung Quốc lưu ý: “Chúng tôi cũng khuyên Nhật Bản và các quốc gia khác nên rút ra bài học lịch sử: Không nên coi thường ý kiến của các nước khác và tự tay phá hoại tình hình hòa bình và ổn định chung trong khu vực, và không nên trở thành cầu nối cho sự bành trướng về phía Đông của NATO…”.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo các kịch bản tiêu cực mà Mỹ và NATO đã dàn dựng ở những nơi khác trên thế giới không nên du nhập vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh rằng Nga đang nỗ lực “để củng cố cấu trúc ổn định và hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tạo ra xung quanh ASEAN”. (TASS)
*Thủ tướng Campuchia cảnh báo sẽ trở lại nắm quyền, nếu con trai bị đe doạ: Ngày 3/8, Thủ tướng Campuchia sắp mãn nhiệm Hun Sen cảnh báo nếu tính mạng của con trai ông, tân Thủ tướng Hun Manet, gặp nguy hiểm vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thì ông sẽ trở lại vị trí này.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành đường vành đai thứ 3 của thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen nói: “Tôi muốn cảnh báo với các bạn rằng nếu con trai tôi bị đe dọa, tôi sẽ trở lại vị trí thủ tướng. Chỉ khi đó tôi mới quyết định ai có thể trở thành thủ tướng tiếp theo”.
Ông Hun Sen giải thích rằng bằng cách này, ông hy vọng sẽ ngăn đất nước rơi vào hỗn loạn và đảm bảo hạnh phúc của người dân Campuchia.
Trước đó cùng ngày, ông Hun Sen đã có bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia trước toàn dân và thông báo sẽ nghỉ hưu đồng thời chuyển giao quyền lực cho con trai Hun Manet. Sắc lệnh Hoàng gia về việc bổ nhiệm thủ tướng mới sẽ được công bố vào ngày 7/8 và ông Hun Sen sẽ được miễn nhiệm vào ngày 22/8. (Khmertimeskh)
Châu Mỹ
*Mỹ lần đầu tiên phóng thử tên lửa ATACMS ở Australia: Tạp chí quốc phòng Australia số ra ngày 3/8 đưa tin quân đội Mỹ đã lần đầu tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo đất đối đất chiến thuật tầm xa MGM-140 ATACMS ở Australia trong khuôn khổ cuộc tập trận Talisman Sabre 2023, diễn ra cuối tháng 7 vừa qua.
Theo nguồn tin, tên lửa được phóng từ bệ phóng M142 HIMARS ở cơ sở huấn luyện Delamere ở vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia. HIMARS được vận chuyển bằng máy bay vận tải MC-130J của Mỹ từ khu huấn luyện Vịnh Shoalwater ở bang Queensland.
Tại khu huấn luyện Vịnh Shoalwater, nhiều tên lửa dẫn đường M31 đã được phóng từ bệ phóng HIMARS trước đó cũng trong khuôn khổ cuộc tập trận Talisman Sabre. Hồi tháng 4, Chính phủ Australia đã công bố kế hoạch chi 2,7 tỷ USD mua HIMARS và bắt tay vào sản xuất tên lửa dẫn đường trong nước.(Sputniknews)
* 280.000 xe điện mới của Tesla bị điều tra về an toàn: Cục Quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA) của Mỹ thông báo mở cuộc điều tra sơ bộ đối với 280.000 xe điện Tesla thuộc hai mẫu mới Model 3 và Model Y do có báo cáo về tình trạng mất kiểm soát lái và hệ thống lái có trợ lực.
Đây là bước đầu tiên của một cuộc điều tra chính thức để NHTSA xác định xem vấn đề có gây ra nguy cơ hay không. NHTSA mở cuộc điều tra trên sau khi nhận được 12 khiếu nại từ những chủ sở hữu xe Tesla. Trong đó có một tài xế ở bang Georgia vào tháng 6 báo cáo rằng chiếc Tesla Model Y mới mua được 2 tuần đang chạy thì “đột nhiên vô lăng không điều khiển được”.
TIN LIÊN QUAN | |
Tesla đối đầu với các nhà sản xuất xe nội địa, nóng ‘cuộc chiến’ xe điện thông minh ở Trung Quốc |
Ngoài ra, một người lái chiếc Tesla Model Y được sử dụng chưa đầy 30 ngày cho hay hệ thống lái có trợ lực bất ngờ bị vô hiệu hóa. Mặc dù không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nào được báo cáo liên quan đến những sự cố này, nhưng có một sự cố đã dẫn đến va chạm hoặc hỏa hoạn. Khoảng 280.000 xe nằm trong phạm vi điều tra, có thể dẫn đến việc thu hồi để sửa chữa. Sau hành động của NHTSA, Tesla vẫn chưa thể đưa ra bình luận về vấn đề này, do “gã khổng lồ” xe điện không có bộ phận truyền thông.
Đây không phải là lần đầu tiên NHTSA xem xét các vấn đề an toàn của Tesla. Vào tháng 3, NHTSA đã mở cuộc điều tra riêng sau các báo cáo về việc vô lăng của Tesla bị rơi ra khi xe Model Y đang chạy trên đường. “Gã khổng lồ” xe điện cũng đã thu hút sự chú ý của Bộ Tư pháp vì có nhiều liên quan đến các tính năng lái xe tự động và tự lái hoàn toàn.
Hồi tháng trước, Tesla đã ban hành lệnh thu hồi tự nguyện đối với hơn 1.300 xe Model S, X và Y mà hãng sản xuất trong năm nay do camera bị lệch. (FT)