Tờ The Washington Post ngày 20.7 dẫn lời giới chức Ukraine cho hay các binh sĩ nước này đã bắt đầu sử dụng đạn chùm do Mỹ cung cấp nhằm chống lại lực lượng Nga.
Theo đó, đạn dược này được đưa đến khu vực đông nam Ukraine và dự kiến sẽ được sử dụng đối phó các cứ điểm Nga gần thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk.
Xem nhanh: Ngày 511 chiến dịch, Nga nói một phần biển Đen ‘không an toàn’; Mỹ muốn Ukraine tạo đột phá
Một quan chức Ukraine nói rằng các binh sĩ nước này khai hỏa đạn chùm vào các cứ điểm Nga, nhằm phá vỡ những chiến hào vốn làm chậm đà phản công của Ukraine.
Mỹ có loại đạn chùm DPICM – tức đạn quy ước cải tiến lưỡng dụng, dù quân đội Mỹ không còn dùng loại đạn này từ năm 2016.
Theo một bài đăng trên trang eArmor của quân đội Mỹ, đạn chùm DPICM mà Washington sẽ cung cấp cho Kyiv sẽ được bắn từ pháo 155 mm, mỗi viên đạn mang 88 đạn con. Mỗi đạn con có phạm vi gây sát thương khoảng 10 mét vuông. Vì vậy, một quả đạn chùm có thể gây sát thương trên phạm vi lên đến 30.000 mét vuông tùy vào độ cao khi các đạn con được phóng ra.
Washington hôm 7.7 thông báo về việc cung cấp cho Ukraine DPICM nhằm củng cố sức phản công của nước này. Động thái này gây tranh cãi do lo ngại về nhân đạo liên quan việc sử dụng đạn chùm.
Theo giới chức Mỹ, đạn chùm Ukraine tiếp nhận có tỷ lệ hỏng không quá 2,5%. Hơn 120 nước cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, mua, lưu trữ hay chuyển giao đạn chùm theo một hiệp ước năm 2010. Ukraine, Nga và Mỹ đều không ký kết hiệp ước này.
Nhận đạn chùm, Ukraine đã “chán” cách đánh phương Tây?
Hôm 13.7, quân đội Ukraine xác nhận đã tiếp nhận lô đạn chùm đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng chúng sẽ chỉ được sử dụng nhằm vào những điểm tập trung quân Nga và không phải tại những khu vực đông dân, thành phố hay lãnh thổ Nga.
Điện Kremlin dọa sẽ dùng đạn chùm để đáp trả nếu Ukraine dùng loại đạn dược này. Tuy nhiên, giới chức Ukraine cho rằng phía Nga đã dùng đạn chùm vài lần.
Nga tấn công 2 lữ đoàn Ukraine
Hãng TASS ngày 20.7 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay lực lượng Nga đã vô hiệu hóa “một nhóm lật đổ của Ukraine” tại khu vực Krasny Lyman.
Theo ông, phía Nga đã tấn công một trung tâm tín hiệu và một đồn chỉ huy của 2 lữ đoàn bộ binh Ukraine trong vòng 24 giờ trước đó.
“Tại các khu vực gần các khu định cư Avdiivka và Torskoye ở Donetsk, một trung tâm tín hiệu của lữ đoàn cơ giới số 110 của quân đội Ukraine và một sở chỉ huy của lữ đoàn cơ giới số 63 của quân đội Ukraine đã bị phá hủy”, ông cho biết.
Ukraine dưới sức ép phải có đột phá quyết định trong phản công
Ngoài ra, phía Nga còn nói đã đẩy lùi 16 cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực Donetsk, gây thiệt hại cho đối phương ở khu vực và đánh chặn 7 rốc két từ hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) và 32 máy bay không người lái của Ukraine.
Ukraine chưa bình luận về những thông tin trên.
Đáng chú ý, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 20.7 cho hay nước này tiếp tục “tấn công trả đũa” Ukraine, nhằm vào các mục tiêu ở Odessa và Mykolaiv.
Theo đó, phía Nga đã tấn công bằng các vũ khí chính xác cao từ biển và trên không, nhằm vào các nhà xưởng và nhà kho chứa xuồng không người lái tại các khu vực Odessa và Chornomorsk. Tại khu vực thành phố Mykolaiv, các cơ sở hạ tầng nhiên liệu và kho đạn của Ukraine đã bị phá hủy.
Nguy cơ cho Hạm đội biển Đen của Nga
Nhà Trắng ngày 20.7 cho hay Mỹ “quan ngại sâu sắc” về những cuộc tấn công của Nga ở khu vực biển Đen.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về những gì chúng ta đang thấy ở biển Đen hiện nay”, theo phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton, đề cập 3 ngày liên tiếp diễn ra các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố cảng của Ukraine và các dấu hiệu cho thấy Nga có thể tấn công các tàu dân sự trong khu vực.
Nga cảnh báo tàu thuyền đến Ukraine qua biển Đen, Mỹ phản ứng ra sao?
Tuy nhiên, phía Nga khẳng định không hề chuẩn bị tấn công tàu dân sự ở biển Đen như cáo buộc của Mỹ, theo Reuters.
Trang tin The Kyiv Independent ngày 20.7 dẫn báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Hạm đội biển Đen của Nga có thể sẽ đóng vai trò tích cực trong việc ngăn chặn các tuyến đường thương mại, nhưng việc phong tỏa sẽ gặp rủi ro từ UAV và tên lửa hành trình của Ukraine.
Phân tích tình báo lưu ý rằng việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen vào ngày 17.7 đã hủy bỏ tính hiệu quả của việc đảm bảo an ninh cho các tàu chở hàng đi qua.
Tuy nhiên, quyết định này trên thực tế có thể đã được đưa ra cách đây một thời gian vì thỏa thuận không còn phục vụ lợi ích của Điện Kremlin nữa, theo báo cáo.
Tổng thống Brazil: Thế giới đang mệt mỏi vì xung đột Ukraine
Từ ngày 20.7, Nga bắt đầu xem mọi tàu thuyền qua biển Đen đến Ukraine là các tàu hàng quân sự và là mục tiêu của Nga. Đáp trả, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố cũng sẽ xem mọi tàu đến các cảng của Nga và cảng của Ukraine ở biển Đen do Nga kiểm soát là các tàu có khả năng vận tải quân sự, bắt đầu từ ngày 21.7.