Cộng đồng du học tại Việt Nam những ngày qua xôn xao trước thông tin chính phủ Úc tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính nếu muốn nộp hồ sơ xin thị thực du học. Cụ thể, đăng tải trên website chính thức vào hôm 2.5, Bộ Nội vụ Úc lưu ý ứng viên cần chứng minh tài chính ở mức 29.710 AUD (493 triệu đồng), tăng khoảng 21% so với mức cũ đã thay đổi trước đó 7 tháng là 24.505 AUD (406 triệu đồng).
Số tiền này được cho là để người học có đủ khả năng trang trải sinh hoạt phí trong năm đầu tiên. Ngoài ra, người học cũng phải chứng minh mình có đủ năng lực tài chính để đáp ứng nhiều khoản thu khác như học phí, vé máy bay (dựa theo quốc gia đang sinh sống), học phí cho con cái nếu mang theo con cái đi cùng…
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, vào 3.5, thông tin về mức sinh hoạt phí trên website lại được sửa về mức cũ, tức 24.505 AUD. Ở 2 lần cập nhật, Bộ Nội vụ Úc đều không đưa ra phát ngôn hay văn bản chính thức về vụ việc, dù đây là trang thông tin chính thức để các bên theo dõi và nộp hồ sơ.
Bà Đoàn Thị Oanh, Phó giám đốc Công ty tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh, cùng ông Andy Phạm, Quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của ĐH Quốc gia Úc, đều xác nhận thông tin này. Ông Andy lưu ý thêm, đến nay (5.5) vẫn chưa có thông báo chính thức về việc Bộ Nội vụ Úc thay đổi yêu cầu chứng minh tài chính về mức cũ chỉ sau 1 ngày cập nhật.
Ông Andy cũng cho hay, dù một số trường ĐH Úc không yêu cầu ứng viên chứng minh tài chính nhưng các bạn cũng cần có tâm thế chuẩn bị trước. Bởi, cơ quan lãnh sự Úc có quyền yêu cầu nộp thêm bất kỳ lúc nào và việc bổ sung càng sớm càng giúp ứng viên được xét duyệt nhanh hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Oanh cho biết thêm theo thực tế quan sát, dù được miễn chứng minh tài chính và chứng chỉ tiếng Anh, nhiều trường hợp vẫn bị yêu cầu bổ sung và điều này diễn ra “khá phổ biến”. “Các bạn hãy chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, đầy đủ từ đầu để kịp xoay xở nếu bị cơ quan lãnh sự Úc yêu cầu. Nếu chủ quan, với thời hạn chỉ 7 ngày, các bạn sẽ dễ gặp kết quả không như mong đợi”, bà Oanh lưu ý.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Bộ Nội vụ Úc cho biết các đơn xin thị thực du học sẽ được đánh giá theo những yêu cầu dành cho sinh viên chân chính (Genuine Student-GS), thay thế các điều kiện xin nhập cảnh tạm thời (GTE) như trước đây. Đồng nghĩa, du học sinh cần trả lời một loạt câu hỏi cụ thể trong biểu mẫu trực tuyến và đính kèm các tài liệu liên quan để chứng minh như tài chính, bằng cấp, sơ yếu lý lịch.
Thời điểm đó, Bộ Nội vụ Úc cũng tăng yêu cầu tiếng Anh với thị thực du học (subclass 500) và thị thực tốt nghiệp tạm thời (subclass 485). Với thị thực tốt nghiệp tạm thời, mức IELTS tăng từ 6.0 lên 6.5, không kỹ năng nào dưới 5.5 (hoặc chứng chỉ khác tương đương). Ngoài ra, ứng viên cần cung cấp bằng chứng đã hoàn thành bài kiểm tra tiếng Anh trong vòng 1 năm trước ngày nộp đơn, thay vì 3 năm như trước đó.
Với thị thực du học, yêu cầu tăng từ IELTS 5.5 lên 6.0 (tương đương PTE 42-50). Du học kết hợp khóa tiếng Anh tăng từ 4.5 lên 5.0 (PTE 30-36), còn chương trình dự bị ĐH và chuyển tiếp ĐH cung cấp đào tạo tiếng Anh yêu cầu tối thiểu IELTS 5.5 (PTE 42). Cũng cần lưu ý, Úc hiện không chấp nhận kết quả bài thi TOEFL iBT, đồng thời cũng chỉ chấp nhận kết quả Cambridge C1 Advanced của hình thức thi trên giấy.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến hết năm 2023, có 786.891 sinh viên quốc tế theo học các khóa tại Úc. Trong đó, Việt Nam có gần 33.000 du học sinh, xếp thứ 6. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland…
Nguồn: https://thanhnien.vn/uc-bat-ngo-ha-yeu-cau-chung-minh-tai-chinh-voi-du-hoc-sinh-ve-muc-cu-185240505180039756.htm