Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa có công văn khẩn về việc tiếp tục thực hiện tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu chính quyền địa phương cần tập trung vào việc xử lý các vật chứa nước nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; vận động người dân đồng hành, tích cực tham gia tìm kiếm và loại bỏ vật chứa nước ngay tại chính nơi ở của mình.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) hướng dẫn chi tiết các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phù hợp với thực tế và có tính khả thi.
Song song đó, Sở Y tế phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND TP.HCM thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Ngoài ra, Sở TN-MT phát động phong trào phân loại rác tại nguồn, lồng ghép nội dung hướng dẫn xử lý vật phế thải có thể ứ đọng nước và các biện pháp giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Sở Y tế chỉ đạo hướng dẫn chi tiết các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phù hợp với thực tế và có tính khả thi.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến tuần 20 năm 2023, khu vực phía nam ghi nhận 23.011 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó TP.HCM ghi nhận 7.918 ca tính từ đầu năm đến ngày 11.6.
TP.HCM là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía nam (chiếm 32,3%).
Muỗi sốt xuất huyết sinh sản ở nhiều nơi
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 22.5 – 15.6, HCDC đã thực hiện giám sát hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở 25 phường xã, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Kết quả giám sát ghi nhận 47 điểm có lăng quăng trong tổng số 85 điểm được giám sát, chiếm tỷ lệ 55,2%. Trong số 9 điểm nguy cơ là hộ gia đình thì có đến 7 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 78%. Những số liệu này cho thấy nguy cơ sốt xuất huyết xuất hiện rải rác trên toàn thành phố và ở ngay trong những hộ gia đình.
HCDC thông tin, nơi sinh sản của muỗi là các dụng cụ dự trữ nước sinh hoạt như hồ, phuy, lu hoặc như bình bông, chén nước cúng…
Nhưng cũng còn rất nhiều đồ vật, vị trí quen thuộc khác trong khuôn viên hộ gia đình cũng có thể là nơi sinh sản của muỗi mà chúng ta ít khi nghĩ đến.
Đó là những đồ vật lâu ngày không dùng đến bị vứt bỏ xung quanh nhà sẽ là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi sốt xuất huyết khi mùa mưa đến.
Do đó, chỉ cần một ít nước đọng trong xô, chậu bị bỏ quên cũng trở thành một ổ lăng quăng. Hay thậm chí, ít ai ngờ rằng khay hứng nước từ tủ lạnh, quạt hơi nước, bình nước nóng lạnh hay từ máy điều hòa nhiệt độ đều có khả năng trở thành ổ lăng quăng của muỗi sốt xuất huyết.
Còn tại những hộ gia đình thực hiện chăn nuôi hoặc nuôi thú cưng thì các ly nước, máng nước uống cho gia cầm hoặc thú cưng cũng thường có lăng quăng nếu không được súc rửa đúng cách.
“Có thể nói sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gắn liền với mọi sinh hoạt của người dân. Vì vậy chỉ khi mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi thì dịch bệnh sốt xuất huyết mới được kiểm soát.
Dành 15 phút mỗi tuần, tìm và xử lý những vật chứa có thể đọng nước tại chính ngôi nhà của mình. Không cho muỗi đẻ, giảm số lượng muỗi sẽ giảm được sự lây truyền bệnh, giảm số ca bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân”, HCDC kêu gọi.