Chiều 16/5, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe báo cáo quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Khánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn trình bày Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Khánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy mô diện tích lập quy hoạch là 14.260 ha. Tính chất quy hoạch là khu vực kinh tế tổng hợp công nghiệp, dịch vụ du lịch, nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Bình; là đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình; kết nối giao thông với tỉnh Nam Định.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình, huyện Yên Khánh đảm bảo phù hợp với hiện trạng và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Phát huy thế mạnh về vị trí chiến lược của huyện, các tiềm năng về công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan để tạo ra bước tăng trưởng kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của huyện.
Thiết lập các vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, các cơ sở kinh tế-xã hội (như khu nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội…) khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cấp tỉnh, cấp huyện là hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của cả huyện theo hướng cân bằng và bền vững. Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển không gian đô thị-nông thôn vùng huyện, xác định tính chất quy mô của hệ thống đô thị, lập kế hoạch cải tạo nâng cấp, xây mới, phân loại đô thị… trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện Yên Khánh thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.
Về phát triển không gian vùng được quy hoạch làm 3 vùng trọng điểm. Phát triển về công nghiệp: Phát triển công nghiệp dựa trên các vùng công nghiệp đã có như Khu công nghiệp Khánh Cư, các Cụm công nghiệp Khánh Hải 1, Khánh Hải 2, Khánh Nhạc…; đề xuất các khu vực công nghiệp mới để khai thác các thuận lợi về giao thông, quỹ đất, vị trí thuận lợi về giao thông; các phân vùng nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao: Tập trung tại các xã có diện tích đất nông nghiệp lớn thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; các khu vực làng xóm cải tạo, khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được phân bố đan xen theo hiện trạng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cũng như xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Đồ án quy hoạch cũng đưa ra một số quy hoạch hệ thống kỹ thuật, hệ thống cấp nước, giao thông, cấp điện, thông tin liên lạc, quản lý nước thải, chất thải rắn và nghĩa trang…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung của Đồ án quy hoạch và tập trung góp ý một số nội dung: Về giáo dục, cần bổ sung quy hoạch xây dựng thêm 1 trường THPT trên địa bàn huyện đáp ứng sự phát triển dân số hiện nay. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần bổ sung thêm vùng phát triển du lịch nông nghiệp theo đề án mỗi huyện nông thôn mới xây dựng được mô hình du lịch nông nghiệp phát triển theo chuỗi liên kết. Tập trung quy hoạch gọn vùng các cảng sông thuận tiện cho phát triển du lịch vùng…
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Khánh. UBND huyện, các ngành của huyện đã tiếp thu một cách nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích đầy đủ hiện trạng, thuận lợi, khó khăn, những cơ hội cũng như thách thức để xây dựng quy hoạch huyện Yên Khánh, được các thành viên UBND tỉnh, các sở, ngành ghi nhận, đánh giá cao. Đối với huyện, trong quy hoạch đã thể hiện được sự thống nhất trong định hướng đối với các vùng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh về không gian quy hoạch. Trong đồ án quy hoạch đã thể hiện rõ 3 phân vùng. Vùng thứ nhất là vùng đô thị công nghiệp gắn với sự phát triển của đô thị thành phố Ninh Bình; vùng thứ 2 là vùng trọng điểm về nông nghiệp sẽ gắn với phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững; vùng thứ 3 là vùng dịch vụ và đô thị. Như vậy trong quy hoạch mỗi vùng có một vùng thương mại đô thị, thương mại dịch vụ kết nối 3 vùng. Đồng thời nghiên cứu bổ sung trục cảnh quan sông Mới làm trục phát triển dịch vụ đô thị. Trong định hướng quy hoạch huyện Yên Khánh cần giữ được không gian nằm ở phía Đông Bắc của huyện hướng ra sông Đáy, trục chính giao thông hướng ra sông Đáy.
Việc kết nối đô thị giữa xã Khánh Thiện với thị trấn Yên Ninh, cần tìm ra vùng có thể phát triển thành khu trung tâm thương mại dịch vụ gắn với kết cấu giao thông. Vì vậy đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh ngay quy hoạch khu đô thị. Việc quy hoạch nếu không tập trung sẽ không thu hút được các nhà đầu tư.
Về giao thông: Đề nghị Sở Giao thông – Vận tải rà soát lại lần nữa và tham gia cùng với huyện Yên Khánh, gắn kết với quy hoạch giao thông của tỉnh, của quốc gia trên địa bàn huyện Yên Khánh, vừa đảm bảo trước mắt vừa đảm bảo quy mô lâu dài.
Rà soát lại các cảng trên sông Đáy, nếu bên ngoài không có khu công nghiệp, không phát triển cảng nữa. Đề nghị ngành có liên quan rà soát lại các cảng hiện trạng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với quy hoạch khu công nghiệp cơ bản giữ như hiện nay, không phát triển thêm diện tích đất công nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trên cơ sở những góp ý của các đại biểu, lãnh đạo huyện Yên Khánh cần khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Giao Văn phòng UBND tỉnh thông báo chung kết luận hội nghị.
Tiến Đạt – Anh Tuấn – Hoàng Hiệp