UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định về một số nội dung quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Hải – Trưởng phòng Quản lý Thương mại – Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết:
– Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6 và thay thế Quyết định số 15/2004 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Theo quy định mới, chợ hạng 1 thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh. UBND tỉnh ban hành quyết định giao hoặc tổ chức đấu giá lựa chọn tổ chức quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ hạng 1 do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo quy định; xem xét phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại các chợ hạng 1. Đối với chợ hạng 2 và 3, thẩm quyền quản lý thuộc về UBND cấp huyện.
Ông Huỳnh Tấn Hải. |
– Việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Theo quy định, điểm kinh doanh trong chợ được tổ chức quản lý chợ cho thương nhân thuê để kinh doanh, thực hiện theo các trường hợp sau: Trường hợp thương nhân có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời gian nhất định thì sau khi chợ xây xong được sắp xếp, bố trí vào kinh doanh theo phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng đã được phê duyệt có thời hạn mà không phải qua đấu giá quyền thuê điểm kinh doanh. Thương nhân phải ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh với tổ chức quản lý chợ, trên hợp đồng phải thể hiện rõ số tiền góp vốn hoặc thuê điểm kinh doanh. Sau khi hết thời hạn đã thỏa thuận, nếu thương nhân tiếp tục có nhu cầu kinh doanh thì phải xin ký tiếp hợp đồng với tổ chức quản lý chợ và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định.
Trường hợp thương nhân không thuộc các quy định nêu trên, sau khi thực hiện việc bố trí, sắp xếp thương nhân vào chợ kinh doanh theo quy định mà vẫn còn thừa điểm kinh doanh thì mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh tại chợ liên hệ và thỏa thuận với tổ chức quản lý chợ để được thuê điểm kinh doanh. Thời hạn sử dụng và thuê điểm kinh doanh tại chợ không vượt quá thời hạn hoạt động của dự án và được thể hiện trong hợp đồng giữa tổ chức quản lý chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ.
Hoạt động kinh doanh tại chợ Xóm Mới. |
– Xin ông cho biết cụ thể quy định về đấu giá điểm kinh doanh tại chợ?
– Đối với chợ xây mới, việc tổ chức đấu giá điểm kinh doanh tại các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng yêu cầu thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đối với chợ sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại trước đây do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng thì được quy định như sau: Đối với trường hợp chưa hết hợp đồng, sau khi sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp, xây dựng xong, ban quản lý chợ hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ bố trí, sắp xếp cho thương nhân tiếp tục kinh doanh đến khi hết hạn hợp đồng theo vị trí ngành hàng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; việc bố trí theo hình thức bốc thăm để lựa chọn. Đối với trường hợp hết hợp đồng, trước 6 tháng ban quản lý chợ hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác quản lý chợ (trong trường hợp chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng) có trách nhiệm xây dựng phương án đấu giá trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đấu giá theo đúng quy định. Thời gian ký hợp đồng cho thương nhân thuê điểm kinh doanh do ban quản lý chợ, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ quy định cụ thể nhưng cho thuê một lần không quá 10 năm. Sau khi bố trí hết các thương nhân đã kinh doanh tại chợ cũ có nhu cầu kinh doanh tiếp vào điểm kinh doanh mới, nếu còn thừa điểm kinh doanh sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá, trình tự và nguyên tắc đấu giá như đối với chợ mới.
– Xin cảm ơn ông!
C.V (Thực hiện)