Những loại máy bay không người lái có tầm hoạt động xa sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trong cuộc xung đột, nhằm tấn công sâu vào lãnh thổ của nhau.
UAV Bober của Ukraine tấn công sân bay Pskov của Nga xuất phát từ đâu?
Đêm 29-30/8/2023, các cuộc không kích quy mô lớn nhất vào bảy khu vực của Nga cùng một lúc đã được thực hiện. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 3 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bị bắn hạ ở vùng Bryansk và 2 chiếc ở vùng Kaluga, 2 bị phá hủy tại Orion, 2 bị bắn hạ trên vùng Ryazan và 1 bị chặn trên ngoại ô Moscow khi đang hướng thẳng tới thủ đô. Hoạt động tại các sân bay Vnukovo, Domodedovo và Sheremetyevo tạm thời bị đình chỉ. Sevastopol cũng hứng chịu một cuộc không kích lớn.
Tuy nhiên, Pskov mới là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Hàng chục máy bay không người lái đã tấn công sân bay Pskov. Hai máy bay vận tải quân sự Il-76 bốc cháy, bị hư hỏng nặng và hai máy bay nữa bị hư hại nhẹ. Pskov là căn cứ của lính đổ bộ đường không, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công có sự tham gia của hơn hai chục UAV Ukraine có tên Bober (hải ly), có tầm bay lên tới 1.000 km.
Máy bay không người lái Bober |
Đây thực sự là đòn tấn công đáng kinh ngạc tiếp theo sau đòn đánh vào sân bay quân sự của Không quân tầm xa của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga ở Engels ngày 26/12/2022 và cuộc tấn công vào sân bay Soltsy ở Nizhny Novgorod ngày 19/82023. Thực sự Nga rất khó hình dung mục tiêu bị tấn công là sân bay Pskov, bởi theo Bộ Quốc phòng Nga, để tiếp cận được khu vực này, máy bay không người lái Hải ly của Ukraine, nếu xuất phát từ phía Bắc Ukraine, phải di chuyển quãng đường lên tới 800 km qua cả lãnh thổ của Liên bang Nga và Belarus.
Theo nhiều chuyên gia quân sự Nga, Ukraine khó có thể phóng UAV từ lãnh thổ Ukraine, xuyên qua Belarus rồi tiến vào đất Nga để đến vùng Tây Bắc quốc gia rộng lớn này mà không bị bắn rụng. Theo họ, có thể số UAV này được phóng từ vùng biển quốc tế Baltic, nhưng tệ hơn nó có thể xuất phát từ chính các nước Baltic (Estonia cách Pskov 30 km còn Latvia cách 50 km), những nước thành viên NATO.
Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng số UAV bắn vào sân bay Pskov xuất phát từ trong lãnh thổ LB Nga. Còn các chuyên gia quân sự Nga cho rằng khó có việc hàng chục UAV được phóng từ lãnh thổ Nga có thể qua mặt được hệ thống phòng không Nga. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố sự việc này rất nghiêm trọng và Bộ Quốc phòng Nga đang tìm hiểu và sẽ có hành động đáp trả thích đáng.
Sự kiện này cho thấy, UAV tầm xa đang ngày càng nguy hiểm và được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Dưới đây là các tính năng kỹ-chiến thuật chính của máy bay không người lái Bober đã tấn công sân bay quân sự Pskov:
- Chiều dài: ~2,5 m,
- Sải cánh: ~3 m
- Trọng lượng: 150 kg
- Tầm bay: tới 1000 km
- Độ bay cao: tới 1500 m
- Tốc độ: tới 150 km/h
- Trọng lượng đầu đạn: tới 20 kg
- Thời gian bay tối đa: ~ 7 giờ
- Đơn giá: 100-110.000 USD/1 chiếc
Máy bay không người lái có tầm bay ngày càng lớn
Những loại máy bay không người lái có tầm hoạt động xa sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trong cuộc xung đột, nhằm tấn công sâu vào lãnh thổ của nhau. Bài viết dưới đây giới thiệu về một cách để tăng tầm bay của UAV Nga. Đó là máy bay không người lái mẹ chở máy bay không người lái con, với mục đích UAV con sẽ tách khỏi UAV mẹ và tấn công kẻ thù khi đến gần mục tiêu. Trong đó UAV cảm tử Lancet-3 là loại con và UAV Orion lớn hơn của Nga được đề xuất sử dụng làm phương tiện vận chuyển.
UAV Lancet-3 là một UAV cảm tử tiến tiến, được sử dụng rất nhiều trong cuộc xung đột hiện nay còn UAV Orion là UAV tầm trung duy nhất ở Nga có thời gian bay khá dài. Do thời gian là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chiến đấu, sẽ rất thích hợp xây dựng mộ để sử dụng làm UAV chở UAV.
UAV Lancet-3. |
Lancet-3 có trọng lượng12 kg (đơn giá 35.000 USD/chiếc), còn UAV Orion-E (biến thể xuất khẩu của Orion) có thể mang 250 kg dùng để chở phương tiện hoặc vũ khí lắp trên 3 giá treo. Khi bay hành trình, Orion có thể bay liên tục trong 30 giờ và đạt tốc độ bay tối đa tới 200km/giờ. Nếu tính thêm trọng lượng thiết bị tiếp phát tín hiệu điều khiển và tín hiệu video từ các UAV cảm tử đã phóng đi thì có thể xác định một chiếc UAV Orion có thể mang 6–12 UAV cảm tử Lancet-3.
Máy bay không người lái “Orion” |
Do Nga thiếu mạng lưới vệ tinh thông tin liên lạc tốc độ cao, việc điều khiển UAV Orion và UAV cảm tử Lancet-3 được phóng từ nó sẽ phải được thực hiện thông qua một bộ tiếp phát đặt trên UAV mẹ “Orion” trên không. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trễ tín hiệu khi điều khiển máy bay đạt tốc độ cao. Vì vậy, một giải pháp khả thi có thể là sử dụng các máy bay sở chỉ huy trên không Tu-214 PU, Tu-214SUS chở cả các nhân điều khiển, cả UAV Orion và UAV cảm tử Lancet-3 được phóng từ nó.
Ту-214СУС |
Ngay cả trong trường hợp UAV mẹ và UAV cảm tử được điều khiển từ sở chỉ huy máy bay, khả năng của tổ hợp trinh sát-tấn công như vậy sẽ rất cao. Nếu Nga có mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp liên lạc tốc độ cao với độ trễ thấp, cũng như các UAV chuyên chở với phạm vi bay tăng lên, khả năng của chúng sẽ thực sự là không giới hạn từ quan điểm địa lý.
Chiến thuật sử dụng UAV lớn chở UAV con
Sau khi nhận được thông tin ban đầu về vị trí có thể của các mục tiêu tiềm năng, một hoặc nhiều UAV Orion với UAV Lancet-3 được treo dưới cánh sẽ cất cánh và tiến tới khoảng cách hiệu quả, có tính đến thời gian bay tối đa có thể của UAV cảm tử và rủi ro tối thiểu cho UAV mẹ.
Tùy thuộc vào loại hệ thống phòng không mà đối phương có trong một khu vực nhất định, có thể chọn sơ đồ bay tầm cao hoặc tầm thấp. Trong trường hợp thứ hai, đường bay của UAV vận chuyển phải đi qua khu vực vắng vẻ, tốt nhất là có nhiều cây cối rậm rạp. Đồng thời, trạm chỉ huy máy bay cất cánh và sau khi leo lên sẽ nắm quyền điều khiển UAV mẹ.
Khi có tín hiệu từ máy bay sở chỉ huy, UAV mẹ sẽ phóng UAV cảm tử, sau đó nó tiếp tục bay lượn để đảm bảo việc tiếp phát tín hiệu liên lạc. UAV cảm tử tiến vào khu vực được cho là mục tiêu và tìm kiếm chúng. Sau khi phát hiện mục tiêu, UAV cảm tử sẽ tiêu diệt chúng.
Có lẽ, giải pháp tối ưu nhất sẽ là tấn công các mục tiêu theo cặp, khi UAV cảm tử thứ hai sẽ đánh bồi sau đòn tấn công của UAV cảm tử thứ nhất gây ra, qua đó vừa xác nhận việc đánh trúng mục tiêu và vừa giảm khả năng sửa chữa và khôi phục nó bằng đòn tấn công thứ hai. Ví dụ, UAV cảm tử đầu tiên có thể được trang bị đầu đạn tạo mảnh-nổ lõm và chiếc thứ hai có thể mang đầu đạn cháy.
Cự ly giữa UAV mẹ + UAV cảm tử dưới sự điều khiển từ máy bay chỉ huy có thể vượt quá 300-350 km. Khi sử dụng phương án bay tầm cao của UAV mẹ, tầm bay của UAV cảm tử sẽ tăng lên, điều này sẽ làm tăng tổng tầm bay của toàn bộ tổ hợp. Cần lưu ý phạm vi chỉ định bị giới hạn bởi phương tiện liên lạc – bản thân UAV Orion có thể bao phủ khoảng cách lớn hơn nhiều, điều này sẽ cho phép linh hoạt xây dựng đường bay để vượt qua hệ thống phòng không của đối phương.
Ngoài các pháo phản lực HIMARS và hệ thống phòng không Patriot, mục tiêu của Lancet-3 có thể là máy bay Su-24 mà Ukraine hiện có, cũng như các máy bay chiến đấu F-16 khi chúng được chuyển cho Ukraine.
Từ UAV cảm tử thành UAV trinh sát
Có một cách thú vị khác để tấn công các mục tiêu có mức độ ưu tiên cao bằng cách xác nhận thực tế việc tiêu diệt chúng. Trong kịch bản này, các máy bay không người lái cảm tử Lancet-3 sẽ loại bỏ đầu đạn để thay thế pin dung lượng lớn hơn nhằm tăng phạm vi và thời gian bay. Tức là Lancet biến thành một UAV trinh sát thuần túy. Có thể một đầu đạn nhỏ nặng vài trăm gram sẽ được giữ lại, chủ yếu là để UAV không bị kẻ thù bắt được sau khi sử dụng hết điện.
Số lượng UAV trinh sát Lancet trên UAV Orion cũng có thể được giảm bớt để tăng khoảng cách hoạt động của tổ hợp. Nhìn chung, đây là vấn đề ưu tiên cái gì hơn, nếu nhiều UAV trinh sát hơn thì phạm vi bao phủ rộng hơn, tầm hoạt động phức tạp ít hơn hoặc ngược lại.
Chiến thuật sử dụng gần như giống nhau – sau khi UAV đi vào khu vực phóng, máy bay trinh sát UAV sẽ di chuyển đến khu vực dự kiến có mục tiêu. Chỉ có điều sau khi các mục tiêu được phát hiện, việc tiêu diệt chúng không phải thực hiện bằng UAV cảm tử mà bằng vũ khí tầm xa, tốc độ cao, như hệ thống tên lửa Iskander, tên lửa chống hạm Onyx, tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal.
Tên lửa Kinzhal trên đường bay tiêu diệt mục tiêu đối phương. |
Trong kịch bản này, các UAV trinh sát không chỉ phát hiện chính xác vị trí của mục tiêu mà còn xác nhận một cách đáng tin cậy thực tế về việc tiêu diệt chúng.
Việc sử dụng UAV một cách linh hoạt giải quyết cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng nhất – gây thiệt hại đáng kể cho quân đội của đối phương, cũng như xác nhận thiệt hại để làm mất uy tín về khả năng chiến đấu và hiệu quả của các hệ thống vũ khí mới nhất do các nước bảo trợ cung cấp.