Nằm co ro trong tầng hầm lạnh cóng hoặc mạo hiểm trên nóc tòa nhà 9 tầng, các binh sĩ vận hành máy bay không người lái (UAV) của Ukraine có mặt khắp nơi ở vùng chiến sự Bakhmut. Một số phải ẩn nấp cách chiến tuyến vài trăm mét, hoặc ở ngay trên chiến tuyến. Không có họ, những nỗ lực của Ukraine nhằm giữ vững thành phố đang bị bao vây sẽ khó khăn hơn nhiều.
Những binh sĩ vận hành UAV chia sẻ rằng, mối lo ngại hiện nay của họ là lực lượng Nga có thể “bắt bài” những mẫu UAV hiện đại nhất mà Ukraine đang sử dụng, bao gồm các UAV của nhà sản xuất Trung Quốc DJI.
“Họ (Nga) rất thuần thục và họ đang sản xuất những hệ thống gây nhiễu đặc biệt để đối phó các UAV này. Tôi tin rằng trong 3 đến 4 tháng nữa, các UAV của DJI sẽ không thể sử dụng được nữa”, Yaroslav, 31 tuổi, chuyên gia về UAV của Ukraine, cho biết.
Thực trạng trên khiến Ukraine phải đẩy nhanh việc tìm kiếm giải pháp thay thế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Ukraine vì UAV đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ cho lực lượng phòng vệ nước này.
Yaroslav và Maksym gặp nhau tại một văn phòng tuyển quân không lâu sau khi xung đột bắt đầu nổ ra. Cả hai đều không có bất kỳ kinh nghiệm quân sự nào, nhưng họ được tuyển vào lữ đoàn 63 của Ukraine, hoạt động xung quanh thành phố Mykolaiv ở phía nam Ukraine vào mùa hè, sau đó chuyển sang thành phố Bakhmut ở phía đông từ cuối năm ngoái.
Một ngày của họ ở Bakhmut thường bắt đầu trước bình minh. Khi làm việc theo nhóm hai hoặc ba người, họ sẽ mang ít nhất một cặp UAV và 20-30 viên pin dự phòng, vì “vào mùa đông, thời lượng pin chỉ khoảng nửa giờ”, Maksym cho biết.
Theo Maksym, từ “khốc liệt” vẫn chưa đủ để mô tả cuộc chiến ở chảo lửa Bakhmut. Maksym từng chứng kiến một cuộc tấn công của Nga kéo dài suốt 7 giờ, khi các nhóm quân của Nga kéo đến các vị trí của Ukraine theo từng nhóm nhỏ “từ sáng cho đến khoảng 15h chiều”.
Các binh sĩ vận hành máy bay không người lái như Maksym và Yaroslav được giao nhiệm vụ trinh sát, theo dõi các cuộc tấn công của đối phương hoặc tìm kiếm các mục tiêu quan trọng như các khẩu pháo, mặc dù ở Bakhmut, lực lượng Nga chỉ bắn ở khoảng cách 5km phía sau chiến tuyến.
“Bạn chỉ có vài phút để xác định tọa độ và tiêu diệt mục tiêu”, Yaroslav nói. Yaroslav cũng giúp các pháo thủ Ukraine điều chỉnh mục tiêu và thỉnh thoảng sử dụng máy bay không người lái có vũ trang nếu cần.
Về lý thuyết, DJI không cho phép Nga và Ukraine sử dụng UAV do công ty này sản xuất trong các cuộc xung đột. Nhưng trên thực tế, chúng vẫn được các nước châu Âu và Mỹ mua với số lượng lớn và cung cấp cho Ukraine. UAV đã phát huy hiệu quả đối với hoạt động do thám và có thể dễ dàng cải tiến để mang lựu đạn tấn công từ trên cao.
Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine cho rằng máy bay không người lái của DJI đang dần trở nên kém hiệu quả hơn do các kỹ thuật tác chiến điện tử của Nga làm giảm phạm vi hoạt động của UAV. Môi trường ở Bakhmut, nơi tầm nhìn bị hạn chế bởi các tòa nhà cũng như thời tiết mùa đông, gây khó khăn cho hoạt động của UAV. Một đội UAV ở tiền tuyến hiện chỉ có thể bao quát ttrong phạm vi vài trăm mét, trong khi trước đó tầm hoạt động hiệu quả của chúng gấp 10 đến 20 lần.
“Ở Mykolaiv, UAV của chúng tôi có thể bao quát phạm vi 15km, còn ở Bakhmut chỉ khoảng 500m, thậm chí trong phạm vi 500m này cũng khó có thể bao quát bằng hai máy bay không người lái”, Yaroslav nói.
Yevhen, 38 tuổi, một người điều khiển UAV khác từ Kharkov, tin rằng UAV của DJI sắp hết thời. “Đối với tôi, chúng đang chết dần. Vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã có thể bay xa 3km, còn bây giờ không thể bay xa hơn 500m”, Yevhen nói thêm.
Do đó, Yevhen, một lập trình viên máy tính trước khi xung đột nổ ra, đã rút khỏi vị trí ở tiền tuyến để tham gia phát triển các loại UAV mới nhằm khắc phục những vấn đề phát sinh trên chiến trường. Yevhen tham gia thử nghiệm UAV Windhover tầm xa hơn do Ukraine sản xuất – một trong nhiều dự án UAV đang được triển khai ở nước này.
Yevhen dự đoán việc thay thế DJI ở tiền tuyến sẽ yêu cầu kết hợp các UAV trinh sát tầm xa hơn nhưng đắt tiền hơn. Tuy vậy, hiệu quả của các UAV này vẫn chưa được chứng minh.
Theo Samuel Bendett, một chuyên gia về máy bay không người lái của Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, khả năng thay đổi công nghệ có thể mang đến lợi thế cho Ukraine.
“Nga lo ngại rằng Ukraine sẽ có lợi thế về UAV. Họ cũng lo ngại rằng một số lượng lớn UAV sẽ được sử dụng để hỗ trợ cuộc phản công của Ukraine và Moscow có thể không có đủ phi công hoặc công nghệ để theo kịp. Đây là cuộc chạy đua công nghệ không chỉ giữa quân đội mà còn giữa các tình nguyện viên với kho vũ khí công nghệ của riêng họ”, ông Bendett nhận định.