Khởi nghiệp với ý tưởng mì Quảng làm từ rau, củ
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm mì Quảng hơn 30 năm, tuổi thơ của bà Phan Thị Huệ (49 tuổi, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là những chuỗi ngày theo mẹ rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm mưu sinh với món đặc sản trứ danh này.
Học hết lớp 7, bà Huệ ở nhà phụ giúp mẹ tráng mì nuôi các em ăn học. “Ngày xưa tráng mì bằng thủ công, cực khổ lắm, tiền lời không đáng là bao. Nhưng cũng nghề tráng mì và gánh mì Quảng của mẹ đã nuôi chị em tôi khôn lớn”, bà Huệ chia sẻ.
Năm 2012, bà Huệ chính thức kế thừa lò mì Quảng truyền thống của gia đình. “Mẹ tôi lúc này đã lớn tuổi nên tôi nối nghiệp, thay mẹ quán xuyến công việc làm ăn của gia đình”, bà Huệ kể.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn, bà Huệ đầu tư máy móc hiện đại hơn, mỗi ngày sản xuất hàng trăm kilogam mì, cung ứng thị trường trong và ngoài TP Tam Kỳ.
Đến năm 2019, với mong muốn đưa mì Quảng đến gần hơn với mọi đối tượng thực khách, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, bà Huệ bắt đầu thực hiện ý tưởng sản xuất mì Quảng chế biến từ rau, củ như quả gấc, gạo lứt, nghệ.
Nghĩ là làm, nhưng mọi việc không hề dễ dàng như bà Huệ tưởng. Phải 2 năm kiên trì với bao phen thất bại, bà Huệ mới làm ra sợi mì Quảng từ rau, củ, khác với nguyên liệu làm mì Quảng truyền thống là bột gạo xay mịn.
“Hàng trăm kilogam mì Quảng thử nghiệm chế biến từ rau, củ đã bị đổ bỏ hoặc mang cho hàng xóm làm thức ăn cho gia súc. Nhưng việc càng khó càng thôi thúc tôi làm bằng được. Ngay lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì thất bại quá nhiều lần, tôi đã vượt qua thử thách. Làm ra sợi mì đúng ý tưởng, mừng rớt nước mắt”, bà Huệ mỉm cười nói.
Các loại rau, củ nguyên liệu được bà Huệ chọn lọc kỹ lưỡng từ nguồn nông sản vùng núi Quảng Nam và các nguồn cung ứng uy tín ở Đà Lạt. Riêng với quả gấc, củ nghệ, gia đình tự trồng bằng phương pháp hữu cơ ngay trong vườn nhà.
Ước mơ xuất khẩu mì Quảng
Năm 2021, sau khi thành công với ý tưởng làm mì Quảng từ rau, củ, bà Huệ lại nuôi ý tưởng làm sợi mì Quảng có hạn sử dụng dài ngày hơn mì truyền thống (thường chỉ sử dụng trong ngày kể từ thời điểm ra lò – PV); đồng thời, có thể chế biến ăn liền như mì, phở ăn liền trên thị trường.
“Với mì Quảng ăn liền, người dùng chỉ cần chan phần nước lèo đã được nấu sẵn vào mì là ăn được ngay, không cần nấu nướng mất thời gian”, bà Huệ nói về ý tưởng mì Quảng ăn liền.
Với sản phẩm này, bà Huệ vẫn giữ kinh nghiệm gia truyền đối với nguyên liệu. “Kinh nghiệm mẹ tôi truyền lại là bột gạo tráng mì phải là gạo mùa không dùng thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác, không dùng chất bảo quản trong chế biến, pha chế tỷ lệ nước – gạo hợp lý”, bà Huệ tiết lộ.
Để có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, bà Huệ mang sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả, mọi chỉ tiêu của sản phẩm mì Quảng ăn liền đều đạt. Lúc này, sản phẩm mì Quảng của bà Huệ có hạn sử dụng 4 ngày, thay vì chỉ dùng được trong ngày kể từ khi ra lò như trước đây.
Hiện nay, mì Quảng ra lò từ cơ sở của bà Huệ tại Quảng Nam đã xuất khẩu sang xứ sở kim chi – Hàn Quốc.
Ngoài tư duy không ngừng cải tiến sản phẩm, bà Huệ chia sẻ, để được thị trường chấp nhận nhiều hơn, bà vừa dựa trên kinh nghiệm nhà nghề 30 năm làm mì Quảng vừa áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất. Đặc biệt là sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện mỗi ngày cơ sở của bà Huệ sản xuất 1 tấn mì Quảng các loại (mì quảng tươi, mì quảng khô và mì quảng tươi ăn liền). Doanh thu bình quân khoảng 400 triệu đồng/tháng. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về dự định sắp đến, bà Huệ bày tỏ mong muốn mở rộng thị trường với cơ sở sản xuất gần các khu công nghiệp, nơi có nhiều người tiêu dùng sản phẩm của cơ sở. Đặc biệt, bà Huệ nuôi ước mơ xuất khẩu mì Quảng nhiều hơn, từ việc sản phẩm mì Quảng đã xuất khẩu sang Hàn Quốc.