* Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 UAE ở Doha Cup diễn ra vào lúc 00h30 ngày 26/3.
Dù thi đấu thiếu người từ phút 23 trong trận đấu với U23 Iraq nhưng U23 Việt Nam vẫn kiểm soát tới 59%. Rõ ràng, ý đồ kiểm soát bóng của HLV Philippe Troussier đã được thể hiện rõ nét. Chỉ có điều, tính sát thương của U23 Việt Nam không cao. Chúng ta không thể tung ra cú sút trúng đích nào.
Điểm lo ngại cũng nằm ở khâu phòng ngự. U23 Việt Nam chống phản công khá kém và dễ mắc sai lầm. Trước lối chơi pressing của U23 Iraq, U23 Việt Nam chuyền hỏng khá nhiều. Một trong số đó là tình huống chuyền hỏng của Tuấn Tài, tạo ra bước ngoặt trận đấu khi Tiến Long nhận thẻ đỏ.
Bàn thua đầu tiên của U23 Việt Nam cũng xuất phát từ sai lầm tương tựu. Công Đến mất bóng, U23 Iraq phản công dẫn tới quả phạt đền. Ở những bàn thua tiếp theo, U23 Việt Nam đều mắc những sai lầm sơ đẳng. Hàng thủ đội bóng xộc xệch và dễ dàng để đối thủ ghi bàn.
Chính điều này mang tới nhiều lo ngại bởi lối chơi của U23 UAE có nhiều điểm tương đồng với U23 Iraq. Trong trận đấu đầu tiên gặp U23 Qatar, U23 UAE chỉ cầm bóng 41% nhưng vẫn sút bóng ngang ngửa so với đối thủ. Thành quả là đội bóng Tây Á có được bàn thắng ở phút 17 do công của Abdulla.
Đặc biệt, trong hiệp 2, U23 UAE thi đấu kiên nhẫn và lỳ lợm và khiến cho U23 Qatar bất lực. Điều đáng nói, về mặt cá nhân, U23 UAE sở hữu nhiều cầu thủ ra sân hơn 20 trận ở giải vô địch quốc gia UAE. Có nghĩa rằng, xét về tính thiện chiến, U23 UAE hơn hẳn so với U23 Việt Nam.
Rõ ràng, nếu không cẩn trọng (như trong trận đấu với U23 Iraq), U23 Việt Nam có nguy cơ mắc sai lầm. Những đội bóng chơi rình rập như U23 Iraq hay U23 UAE rất thích những đối thủ có lối chơi kiểm soát bóng.
Tất nhiên, chưa thể đánh giá nhiều về U23 Việt Nam sau trận đấu với U23 Iraq bởi HLV Philippe Troussier vẫn đang thử nghiệm đội hình. Hơn nữa U23 Việt Nam lại mất người từ quá sớm. Trận đấu thứ hai với U23 UAE sẽ là bài test quý giá khác cho đội bóng trẻ của Việt Nam.