Cả hai đội đều có những thử nghiệm về nhân sự, đều chưa bung hết sức trong trận đấu tối qua (11/5). Do vậy, nếu một bên cất công nghiên cứu đối thủ, kết quả sẽ là… chẳng nghiên cứu được gì.
· Hòa Thái Lan, U22 Việt Nam gặp Indonesia ở bán kết SEA Games 32 |
U22 Việt Nam trước U22 Thái Lan thay đến 8 vị trí so với đội hình xuất quân trận gặp Malaysia – trận đấu chúng ta chơi máu lửa nhất vòng bảng, bởi trận đấu đấy quyết định vé đi tiếp của đoàn quân trong tay HLV Philippe Troussier.
Trong số những cầu thủ không thi đấu trận gặp U22 Thái Lan, có tiền đạo Nguyễn Văn Tùng và thủ môn Quan Văn Chuẩn. Văn Tùng đang dẫn đầu danh sách ghi bàn cho U22 Việt Nam tại SEA Games 32, với 4 bàn thắng, điểm chung ở chỗ 3 trận trước gặp Lào, Singapore và Malaysia, trận nào anh cũng ghi bàn.
Việc cất Văn Tùng phần nào phản ánh, HLV Troussier không quá quan trọng khâu săn bàn trong trận này, không nhất thiết phải thắng bằng mọi giá.
Về trường hợp liên quan đến thủ môn Quan Văn Chuẩn, chẳng có bất kỳ nhà chuyên môn nào trên thế giới không dùng thủ môn số một của mình, trừ trường hợp đấy là trận đấu không quan trọng về kết quả.
Còn về phía Thái Lan, đội bóng trẻ đất Chùa Vàng chơi khá hay trong hiệp một, tạo nhiều cơ hội ghi bàn. Tuy nhiên, sang đến hiệp hai, đoàn quân trong tay HLV Issara Sritaro đột nhiên hết hay, họ phạm lỗi nhiều hơn sút khung thành, đá thô bạo thay vì tập trung vào phối hợp.
Dù vậy, sau trận đấu, HLV Issara Sritaro của U22 Thái Lan hứa hẹn: “Nếu Thái Lan tái ngộ U22 Việt Nam ở trận chung kết SEA Games năm nay, đó sẽ là trận đấu rất khác”.
Có lẽ vị HLV của đội bóng trẻ đất Chùa Vàng không nói suông. Đội hình xuất phát của U22 Thái Lan tối qua không có Teerasak Poeiphimai, chân sút số một của bóng đá Thái Lan trong lứa tuổi 22.
Đội hình này có trung vệ Jonathan Khemdee và tiền vệ Settasit Suvannaseat đúng như dự báo. Họ vốn là những người mới đến Campuchia hội quân với U22 Thái Lan chưa lâu, do bận làm nhiệm vụ cùng CLB chủ quản ở giải trong nước, nên họ cần trận đấu với U22 Việt Nam để “làm nóng”, chuẩn bị cho vòng knock-out, hơn là để phát huy toàn bộ năng lực.
Dĩ nhiên, bài bản của đôi bên về cơ bản vẫn vậy, những bài bản đã được chuẩn bị từ đầu giải, dựa trên lối chơi quen thuộc nhất. Điều quan trọng ở người thực hiện và cách thức thực hiện.
Ví dụ như cũng bài tấn công quen thuộc, nhưng cầu thủ Thái Lan thay vì rướn thêm chút nữa, nhanh hơn chút nữa, họ không rướn và cũng không chủ động tăng tốc để nhanh hơn. Đối phương sơ hở, họ sẽ trừng phạt (tình huống trung vệ Duy Cương của U22 Việt Nam trượt ngã trong bàn mở tỷ số của Thái Lan).
Còn không nếu đối thủ không sơ hở, U22 Thái Lan không buồn tăng tốc để quyết đi tìm sơ hở đấy. Thành ra mới có chuyện đội bóng trẻ đất Chùa Vàng chỉ hay trong hiệp một, đến hiệp hai bỗng dưng hết hay.
U22 Việt Nam cũng vậy, thay vì gây áp lực mạnh hơn chút nữa buộc cầu thủ Thái Lan phải bối rối, thay vì va chạm mạnh hơn chút nữa để đoạt lại bóng, cầu thủ Việt Nam không nhất thiết phải có những pha va chạm kiểu như thế, với nguy cơ chấn thương quá cao, trong khi đằng nào chúng ta cũng đã vào bán kết.
Do đó, người xem có cảm giác cầu thủ U22 Việt Nam mắc lỗi hơi nhiều, nhất là trong hiệp một của trận đấu vừa diễn ra. Tuy nhiên, đấy không phải là phong độ thực thụ của đoàn quân trong tay HLV Philippe Troussier. Đến giai đoạn đấu loại trực tiếp, chúng ta sẽ khác.
U22 Thái Lan cũng như thế, những gì mà người ta vừa chứng kiến chưa phải sức mạnh thực thụ của đội bóng đất Chùa Vàng, họ chỉ mới chơi đúng sức trong một nửa trận đấu (hiệp một), trong khi ở đời, một nửa sự thật không bao giờ là sự thật!
Theo Trọng Vũ/Dân Trí