Ông Narayana Murthy cho rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu khu vực châu Á và tăng trưởng nhanh trên thế giới.
Chiều 20-5, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã diễn ra cuộc đối thoại giữa ông Narayana Murthy, huyền thoại ngành công nghệ thông tin (CNTT) Ấn Độ, nhà sáng lập Công ty Infosys Technologies với giới CNTT Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương cho biết, hơn 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ luôn bền vững và phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển giữa hai quốc gia càng lớn, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn… Việt Nam hoan nghênh chào đón các doanh nhân, tập đoàn lớn sang thăm và đầu tư tại Việt Nam. Sự xuất hiện của ông Murthy đã khẳng định sự quan tâm, vị thế của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế. CNTT, công nghệ số được xem là lực lượng sản xuất mới, góp phần hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương hy vọng, ông Murthy với kiến thức, tầm nhìn sẽ chia sẻ với cộng đồng Việt Nam cách quản lý điều hành, xu hướng công nghệ mới, xu hướng làm sao kiếm được nhiều tỷ USD cho đất nước; mong ông Murthy sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ và các quốc gia khác có những hợp tác sâu rộng hơn, kết nối Việt Nam với Ấn Độ và thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT kiêm Chủ tịch VINASA cho biết, Infosys được coi như một biểu tượng của ngành công nghệ thông tin toàn cầu. Do đó, sự xuất hiện của ông Narayana Murthy, người sáng lập Infosys tại sự kiện thực sự ý nghĩa và tạo động lực cho các doanh nhân công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, ngành công nghệ Việt Nam đã trưởng thành với doanh thu 148 tỷ USD doanh thu, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin là 16 tỷ USD, nhân lực công nghệ 1,4 triệu, ngành phần mềm khoảng hơn 300.000 kỹ sư.
Tại cuộc đối thoại, ông Narayana Murthy cho biết, ông tôn trọng sự dũng cảm, chăm chỉ, tính kỷ luật cũng như tham vọng của nhiều thế hệ người Việt. Ông cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới cần phải học hỏi sự sáng tạo của người Việt. Ông cũng chia sẻ nhiều về hành trình khởi nghiệp, thành lập và vận hành, phát triển Infosys đến ngày hôm nay.
Ông cho rằng, các doanh nghiệp vốn được sáng lập bởi mỗi doanh nhân, họ cùng nỗ lực biến các ý tưởng thành việc làm, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Tinh thần doanh nhân không phải do di truyền, nó là sản phẩm của sự khát vọng trong mỗi con người.
“Ở họ còn có tinh thần khởi nghiệp: dám mơ mộng, dám ước mơ. Ở góc độ nào đó, tinh thần doanh nhân, giúp chúng ta nhiều trong hoạt động kinh doanh”, ông Murthy khẳng định. Nhà sáng lập Infosys cho rằng, công nghệ luôn tiềm năng, gắn với đời sống kinh tế xã hội, nên nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ngành này rất lớn. “Tôi cho rằng nhu cầu về công nghệ luôn có, do công nghệ luôn luôn thay đổi, vận động không ngừng”, ông nói.
Dự báo về tương lai của Việt Nam trong 20-25 năm tới, ông Murthy cho rằng, với những phẩm chất đáng quý, ít quốc gia nào trên thế giới có được như dũng cảm, tự tin, chăm chỉ, làm việc có kỷ luật, sẵn sàng hy sinh, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu khu vực châu Á và tăng trưởng nhanh trên thế giới.
“Việt Nam sẽ mang sự phồn vinh cho người dân của mình nhanh hơn nhiều quốc gia khác ở châu Á. Tôi không nghi ngờ gì về sự phát triển của các bạn trong tương lai”, vị tỷ phú Ấn Độ nhấn mạnh.
Narayana Murthy trở thành huyền thoại CNTT và được ví như “Bill Gates của Ấn Độ” khi đưa Infosys từ công ty vô danh thành biểu tượng của ngành phần mềm nước này. Năm 1999, Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên, hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD. Theo thống kê năm 2023 của Forbes, Murthy sở hữu khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ 711 trong số những người giàu nhất hành tinh.
TRẦN BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ty-phu-cong-nghe-an-do-danh-gia-cao-su-nang-dong-sang-tao-cua-nguoi-viet-nam-post740808.html