Ở nhiều trường, đặc biệt nhóm ngành Kinh tế, tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc lên đến 50-60%, tăng vọt so với trước, nhưng các chuyên gia cho rằng không có vấn đề gì.
Trong báo cáo công khai chất lượng đào tạo năm học 2022-2023, nhiều trường khối Kinh tế ở phía bắc có tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi cao nhất cả nước.
Tại trường Đại học Ngoại thương, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở mức 17,88%, loại giỏi 47,56%. Như vậy, số sinh viên xếp loại khá trở xuống chỉ khoảng 34%.
Đại học Kinh tế quốc dân cũng có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi ở mức cao, lần lượt là 15,15% và 44,72%. Còn ở Học viện Ngân hàng hay Đại học Thương mại, tỷ lệ giỏi và xuất sắc cũng chiếm khoảng một nửa số sinh viên ra trường.
Cũng thuộc nhóm trường Kinh tế nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và giỏi ở các trường phía nam không cao bằng. Như với trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, loại xuất sắc chiếm 0,23%, giỏi 29,84%. Với Đại học Ngân hàng TP HCM, 0,28% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm ngoái và 22,34% loại giỏi.
Các trường khối Y Dược, Kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi thấp hơn. Như tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tổng tỷ lệ này chỉ ở mức 2,89%, Luật TP HCM 4,23%, Y Dược TP HCM 11,56%.
Ở nhiều trường, tỷ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc tăng theo từng năm. Như tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tăng từ 1,7% vào năm học 2020-2021 lên thành 5,38% vào năm 2022-2023. Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi cũng tăng từ 15,5% lên thành 24,25%.
Đại học Ngoại thương, Y Dược TP HCM hay Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng ghi nhận xu hướng tương tự.
Nhiều trường thừa nhận so với cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi cao vọt. Trước đây, cả khóa vài trăm, vài nghìn sinh viên nhưng có khi chỉ một vài người tốt nghiệp xuất sắc.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, nhận định tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi ngày nay cao chủ yếu do cách kiểm tra và cơ cấu điểm trung bình môn học.
Theo ông Vũ, trước đây, nhiều trường chỉ lấy duy nhất một cột điểm kiểm tra cuối kỳ làm điểm trung bình hoặc kết hợp giữa điểm kiểm tra cuối kỳ và giữa kỳ theo tỷ lệ 8:2 hay 7:3. Điểm trung bình các môn phụ thuộc phần lớn vào bài kiểm tra cuối kỳ với hình thức tự luận trên giấy, nội dung đề nặng về ghi nhớ.
Những năm gần đây, việc kiểm tra đánh giá theo hướng mở hơn, không nặng thuộc lòng, mà đề cao tư duy phân tích, giải quyết vấn đề. Hình thức kiểm tra cũng đa dạng hơn, có thể là bài tập nhóm, dự án, thuyết trình. Mặc khác, sinh viên có nhiều cơ hội cải thiện điểm số.
Ví dụ Đại học Ngân hàng TP HCM quy định hai cột điểm chính là điểm quá trình 50% và cuối kỳ 50%. Trong đó, điểm quá trình là kết quả đánh giá thường xuyên của giảng viên thông qua sự chuyên cần, thái độ học tập, các bài tập nhỏ.
Đại diện một trường đại học ở Hà Nội cho rằng việc chuyển đổi từ dạy theo niên chế sang tín chỉ với cách quy đổi từ thang điểm 10 sang thang 4 cũng góp phần làm tăng tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc so với trước.
Ví dụ tính theo thang 4, sinh viên đạt điểm trung bình 3,2 là xếp loại giỏi. Mức này tương đương với 7,6 điểm theo hệ 10. Trong khi theo thang điểm 10 như trước, mức 7,6 chỉ được xếp loại khá.
Ngoài ra, nhiều trường cho phép sinh viên có điểm thấp học lại để cải thiện, nên kết quả xếp loại tốt nghiệp khả quan hơn.
Nói về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các trường chênh lệch lớn, ông cho rằng không thể nhìn vào đó để so sánh, đánh giá chương trình của từng trường hay nhận định trường nào cho điểm dễ hơn.
Theo quan sát, những môn kiểm tra qua bài tiểu luận, sinh viên thường đạt điểm cao hơn do có nhiều thời gian tìm hiểu. Trong khi đó, các bài kiểm tra vấn đáp thường cho kết quả thấp hơn. Tùy từng môn, giảng viên có cách kiểm tra khác nhau.
“Mỗi trường có sự kết hợp các phương thức kiểm tra, đánh giá khác nhau theo chương trình và mục tiêu đào tạo nên việc so sánh kết quả của sinh viên chỉ nên trong phạm vi từng trường”, ông nói.
PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, cho hay tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc của trường chưa đến 1%, loại giỏi khoảng 20% trong vài năm nay. Theo ông, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường Bách khoa khác với loại giỏi của nhiều trường khác, kể cả trong khối ngành kỹ thuật. Đây là điều bình thường.
Vì thế, các đại học nước ngoài khi tuyển và cấp học bổng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ căn cứ vào thứ hạng của sinh viên khi tốt nghiệp, trong top 1, 5 hay 10% của khóa và thư giới thiệu của giáo sư.
“Sinh viên tốt nghiệp loại gì không phải là yếu tố quyết định”, ông Thắng nói, cho hay điều này đúng cả với thị trường lao động. Trong một cuộc gặp ở trường Bách khoa TP HCM với các nhà tuyển dụng, một doanh nghiệp thẳng thắn nói trong mắt họ chỉ có hai kiểu lao động, làm được việc hoặc không, tốt nghiệp loại gì không quá quan trọng.
Ông Thắng cũng nhìn nhận tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của một trường tăng hay giảm không phản ánh toàn bộ chất lượng đào tạo. Điều quan trọng là hệ thống đo lường, đánh giá của nhà trường phải sát với năng lực của sinh viên, để các em biết mình ở đâu và cần bổ sung những gì.
TS Nguyễn Anh Vũ khuyên sinh viên không tự mãn với tấm bằng xuất sắc hay giỏi khi bước ra môi trường làm việc mà cần mang tâm thế học hỏi, thích nghi với điều kiện thực tế. Theo ông, mục tiêu của các trường là đào tạo sinh viên tiệm cận với thực tế, nhưng khó có thể đáp ứng được 100% yêu cầu của doanh nghiệp.
“Sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc không có nghĩa là xuất sắc như yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Vũ nhận định.
Dương Tâm – Lệ Nguyễn