Theo dữ liệu chính phủ Hàn Quốc công bố vào tháng 2, tỷ lệ sinh ở nước này, vốn thấp nhất thế giới, đã tiếp tục giảm xuống 0,78. Con số này thậm chí chưa đạt một nửa tỷ lệ 2,1 cần thiết để một quốc gia duy trì dân số ổn định mà không cần di cư, đài NPR đưa tin.
Bác sĩ nhi bỏ nghề
Tỷ lệ sinh chạm đáy kéo theo hàng loạt vấn đề, bao gồm việc thiếu bác sĩ nhi khoa. Theo hãng Reuters, do ít trẻ em được sinh ra, các bác sĩ nhi khoa “nhận thấy không có tương lai” nên đã bỏ nghề hoặc chuyển chuyên ngành, khiến các bệnh viện thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Điều này làm tăng rủi ro cho sức khỏe trẻ em.
Reuters dẫn số liệu từ Viện Seoul, một tổ chức tư vấn hành chính công, cho thấy số phòng khám và bệnh viện nhi ở thủ đô Seoul đã giảm 12,5% trong giai đoạn 2018-2022, xuống chỉ còn 456. Trong cùng thời kỳ, số lượng phòng khám tâm thần tăng 76,8%, trong khi các trung tâm gây mê tăng 41,2%.
Bộ Y tế và Phúc lợi thừa nhận có “những hạn chế” trong hệ thống và cho biết các biện pháp đang được thực hiện để giải quyết vấn đề. Theo dữ liệu của Bộ, các bệnh viện hiện chỉ đảm bảo mức 16,3% bác sĩ nhi khoa trong nửa đầu năm nay, giảm từ 97,4% vào năm 2013.
Sự thiếu hụt đồng nghĩa trẻ em phải chờ đợi lâu để được điều trị bệnh. Sowha, bệnh viện nhi đồng lâu đời nhất của Hàn Quốc, gần đây đã đóng cửa vào mỗi chiều thứ 7 và chủ nhật do thiếu nhân viên. Đây là lần đầu tiên sau 77 năm điều này xảy ra tại bệnh viện. Một số bệnh viện khác đã giảm điều trị vào ban đêm và đóng cửa phòng cấp cứu cho trẻ em.
Bác sĩ Song Dae-jin tại Bệnh viện Guro thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết ông lo lắng rằng tình trạng thiếu nhân viên có thể sớm làm tê liệt khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp của nhóm ông. “Với tốc độ này, chúng tôi sẽ không thể tồn tại qua năm”, bác sĩ Song nói. “Bệnh nhẹ ngày một ngày hai thì không sao nhưng bệnh nặng không thăm khám, không cấp cứu kịp thời thì hậu quả khôn lường”.
Vấn đề của hệ thống bảo hiểm
Các bác sĩ cho biết chi phí thấp là vấn đề đặc biệt đối với khoa nhi vì hệ thống bảo hiểm chưa được sửa đổi để phù hợp với bối cảnh số trẻ em giảm. Tiến sĩ Lim Hyun-taek, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Hàn Quốc, cho biết: “Ở nước ngoài, chính phủ trả đủ tiền để duy trì bệnh viện ngay cả khi bác sĩ chỉ khám 20 bệnh nhân mỗi ngày”.
Tuy nhiên, chi phí cho mỗi lần điều trị ở Hàn Quốc là khoảng 10 USD (230 nghìn đồng) nên các phòng khám phải tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân mỗi ngày thì mới đủ kinh phí hoạt động, theo tiến sĩ Lim.
Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết các biện pháp đã được về phí và bồi thường bảo hiểm đã được đưa ra trong năm nay để bổ sung cho “những hạn chế”. Bộ này cũng đề xuất thành lập các trung tâm do nhà nước tài trợ và ra quy định đối với các bệnh viện lớn để duy trì điều trị khẩn cấp cho bệnh nhi.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ Dịch vụ Xem xét và Đánh giá Bảo hiểm Y tế cho thấy bác sĩ nhi khoa được trả lương thấp nhất, (thấp hơn 57%) so với mức trung bình các bác sĩ chuyên khoa khác ở Hàn Quốc.
Phụ nữ Hàn Quốc đông lạnh trứng, cưới trễ vì sợ không đủ tiền nuôi con
Đi ngược lại mục tiêu nâng tỷ lệ sinh
Tình hình đáng báo động đến mức một số cặp vợ chồng nói rằng họ không chắc liệu có nên sinh con hay không, bất chấp việc chính phủ trợ cấp hàng tỉ USD mỗi năm cho dịch vụ chăm sóc trẻ em nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Reuters dẫn lời chuyên gia Lee Ju-yul, giáo sư quản lý y tế tại Đại học Namseoul (Hàn Quốc), cho biết việc không phân bổ nguồn lực cho chăm sóc trẻ em đã làm suy yếu tác động của số tiền “khủng” được chi cho việc tăng tỷ lệ sinh.
Trong khi đó, NPR dẫn nhận định của ông Andrew Yeo, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings (Mỹ), cho hay vấn đề ở đây là cách tiếp cận “mang tính tạm thời” của chính phủ Hàn Quốc. Theo chuyên gia này, những giải pháp hiện tại của Hàn Quốc chỉ đang cho thấy nước này có nỗ lực để giải quyết vấn đề chứ không thật sự có kết quả. Theo ông, việc thúc đẩy khả năng sinh sản không phải là cách để xử lý vấn đề.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ kết hôn giảm có thể được coi là kết quả của văn hóa làm việc cực đoan, cùng với các vấn đề giới tính đang diễn ra ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nhức nhối nhất là thiếu nhà ở giá phải chăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Seoul, nơi đang thu hút ngày càng nhiều thanh niên từ nông thôn đến với triển vọng có cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn.