Bộ trưởng Bộ Công thương: Tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí chế tạo đạt 30%
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may – da giày hiện đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%, từ đó tăng cung nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may – da giày hiện đạt 45-50%. |
Tại báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ VII, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu một loạt các vấn đề của ngành.
Trong đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung sẽ được các đại biểu chất vấn người đứng
Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Công thương:
+ Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
+ Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.
+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
đầu ngành Công thương vào chiều 4/6.
Tỷ lệ nội địa hóa cơ khí chế tạo đạt 30%
Báo cáo về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may – da giày đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Cùng với phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, các sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, đóng góp ngày càng cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Dẫn chứng, Bộ trưởng nói: “Năm 2023, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 85%, đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước”.
Đối với công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt các loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện, trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, Châu Mỹ, Châu Phi.
“Bộ Công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài; Triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Bộ trưởng nêu.
Đồng thời, triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật (trên cơ sở tham khảo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp CNHT, cơ khí nói riêng để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI. Đích đến là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiệu quả triển khai chính sách ưu đãi còn hạn chế
Chia sẻ khó khăn trong thực tế triển khai các chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng cho biết: “Do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi”.
Việc bố trí nguồn lực triển khai các chính sách, chiến lược về phát triển ngành cơ khí còn chậm và hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực trạng và trình độ doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
“Năng lực hấp thụ của doanh nghiệp có hạn, hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế”, Bộ trưởng thừa nhận.
Đưa giải pháp khắc phục, lãnh đạo ngành Công thương cho biết: “Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ”.
Phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu.
Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết.
Hiện tại, Bộ Công thương cũng đang xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt.
Nguồn: https://baodautu.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-ty-le-noi-dia-hoa-nganh-co-khi-che-tao-dat-30-d216689.html