Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Tại dự thảo Thông tư, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, vì xét tuyển sớm nên các em học sinh chưa hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT đã xét tuyển, tạo ra sự không công bằng, cũng như tác động tiêu cực đến dạy và học phổ thông. Do đó, khi giảm tỷ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, TS Lê Đình Nam, Phó Trưởng ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội ủng hộ việc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm: “Theo đúng tinh thần ban đầu của Bộ GD-ĐT thì xét tuyển sớm chỉ dành để tuyển những em thuộc nhóm tinh hoa, còn nếu xét tuyển sớm theo kiểu đại trà sẽ không thể tính toán được độ ảo, từ đó gây khó khăn trong quá trình tuyển sinh của các trường. Thực tế các trường công bố xét tuyển sớm là một chuyện, nhưng quan trọng là sau đó thí sinh đặt nguyện vọng như thế nào, điều đó mới thực sự có ý nghĩa.
Trong khi đó, nhiều em dù chưa học hết lớp 12 đã biết mình “chắc suất” vào một trường, hay một số trường đại học nào đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần học tập và thi cử. Qua các năm tuyển sinh có những trường hợp thí sinh dù chỉ có học lực ở mức vừa phải, nhưng chưa tốt nghiệp THPT đã được 5-7 trường thông báo trúng tuyển. Điều này tạo ra sự bất công bằng trong tuyển sinh. Như vậy việc giảm tỷ lệ dành cho xét tuyển sớm là hợp lý”.
TS Lê Đình Nam cho rằng, điều quan trọng là cần truyền thông để phụ huynh, học sinh hiểu đúng, không hoang mang khi biết tin có thể giảm tỷ lệ dành cho xét tuyển sớm. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh cho rằng thí sinh đã mất thời gian, công sức để học các chứng chỉ ngoại ngữ, phục vụ cho xét tuyển sớm, nếu giảm tỷ lệ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Song cần hiểu phương thức tuyển sinh của các trường về cơ bản sẽ không thay đổi nhiều, điểm thay đổi lớn nhất là thời gian công bố kết quả. Thay vì các trường đại học công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển khi các em chưa tốt nghiệp THPT thì sẽ công bố kết quả trúng tuyển cùng đợt với đợt xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Theo TS Lê Đình Nam, việc Bộ đưa ra phương án 20% dành cho xét tuyển sớm nhằm giúp các trường có quyền lựa chọn tiếp tục xét tuyển sớm hoặc dừng hẳn, tùy từng trường. Nhưng con số 20% không đáng kể, vì độ ảo của xét tuyển sớm là rất cao. Bởi khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển sớm giảm, những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sẽ thuộc nhóm “top trên”, với những em này, độ ảo lại càng lớn, do thí sinh có rất nhiều lựa chọn khác. Như vậy tỷ lệ thí sinh nhập học từ 20% trúng tuyển sẽ không cao, không có nhiều ý nghĩa với các trường. TS Lê Đình Nam cho rằng, tùy từng trường sẽ có những điều chỉnh nhất định trong công tác tuyển sinh sớm năm 2025.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, nên xem xét bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học hiện nay. Điều này phù hợp với Thông lệ quốc tế (Theo ISCED 2011) là nếu chưa hoàn thành một chương trình THPT thì không được tiếp cận trực tiếp lên giáo dục đại học. Điều 34 Luật Giáo dục cũng nhấn mạnh học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, nếu không thi hoặc thi trượt sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và chỉ được theo học giáo dục nghề nghiệp.
Điều 28 Luật Giáo dục cũng cho biết, trường hợp đặc cách, học sinh được quyền học vượt lớp chỉ rơi vào nhóm phát triển sớm về trí tuệ, tuy nhiên trường hợp này rất ít.
Điều 34 Luật Giáo dục đại học (Khoản 2) nêu rõ: Cơ sở giáo dục đại học chỉ được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh (thi tuyển xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển). Nội dung và độ khó của đề thi phải phù hợp với chương trình THPT và định hướng của ngành học. Ví dụ không thể lấy điểm IELTS là tiêu chí duy nhất xét tuyển vào mọi ngành học.
Do vậy, TS Lê Viết Khuyến nếu quan điểm, khi chưa hoàn thành chương trình THPT thì không được tham gia xét tuyển đại học và cũng không có khái niệm xét tuyển sớm đại học khi chưa hoàn thành chương trình THPT.
Nói thêm về xu hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, nhiều trường đang giảm chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng như thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Trong khi đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn có nhiều trường “top dưới” đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh “lạ”, không nhằm mục đích hướng nghiệp mà chỉ cần tuyển đủ thí sinh.
Theo chuyên gia, công tác tuyển sinh vẫn “lộn xộn”, kém hiệu quả, thí sinh phải tham gia nhiều lớp học thêm từ luyện thi tốt nghiệp THPT đến luyện các kỳ thi riêng, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học…
TS Lê Viết Khuyến khuyến nghị Bộ GD-ĐT cần đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học…Đồng thời, Bộ cũng cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp “lạ”.
TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của chương trình GDPT 2018 sẽ tham dự kỳ tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, do đó cần sớm cung cấp đầy đủ các thông tin cho thí sinh, phụ huynh và nhà trường để chủ động chuẩn bị.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/ty-le-20-xet-tuyen-som-khong-co-nhieu-y-nghia-voi-cac-truong-dai-hoc-post1141152.vov