Tỷ giá USD/VND có tuần “quậy” nhất 2023
Sau thời gian rất dài “nhường” sức nóng cho các thị trường tài chính chính như vàng, chứng khoán, thị trường ngoại tệ bất ngờ ghi nhận một tuần biến động vô cùng mạnh của đồng USD. Hay nói cách khác, đồng USD có tuần “quậy” nhất năm 2023 khi có những phiên tăng mạnh, giảm sâu nối tiếp nhau.
Ngay từ phiên đầu tuần (3/7), tỷ giá USD đã tăng rất mạnh. Sức nóng liên tiếp được bồi đắp và đồng USD đạt “đỉnh” trong ngày 5/7, tỷ giá tiến gần tới mốc 24.000 đồng/USD.
Tuy nhiên, khi mốc quan trọng 24.000 đồng/USD chưa được chinh phục, đồng USD bất ngờ “đổ đèo” với tốc độ rất cao. Đóng cửa tuần, tỷ giá USD/VND giảm mạnh so với “đỉnh” nhưng vẫn tăng đáng kể so với cuối tuần trước.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, sau chuỗi 3 ngày liên tiếp tăng rất mạnh, đồng USD lên tới mức 23.920 đồng/USD chiều bán ra. Tuy nhiên, đóng cửa tuần, đồng USD dừng ở mức 23.470 đồng/USD – 23.810 đồng/USD, giảm 110 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với “đỉnh” nhưng vẫn tăng 60 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank “chốt tuần” ở mức 23.430 đồng/USD – 23.850 đồng/USD, giảm 115 đồng/USD so với phiên 5/7 nhưng tăng 50 đồng/USD so với phiên 30/6.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank niêm yết tỷ giá USD/VND trong phiên cuối tuần ở mức: 23.490 đồng/USD – 23.800 đồng/USD, giảm 110 đồng/USD so với 5/7 nhưng tăng 50 đồng/USD chiều mua vào, tăng 60 đồng/USD chiều bán ra so với cuối tuần trước.
Đối mặt nhiều khó khăn nhưng tiền đồng vẫn ổn định
Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ chịu áp lực tăng do sự lệch pha chính sách tiền tệ khi Việt Nam đã và đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại trong khi Mỹ tiếp tục duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Mirae Asset bình luận Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tạm dừng tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6 sau 10 lần tăng liên tiếp; tuy vậy, theo bản tóm tắt dự phóng kinh tế của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thì trong nửa cuối năm 2023 có thể còn 2 lần tăng lãi suất nữa, mỗi lần 25 điểm.
Lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt. Cụ thể, cả chỉ số lạm phát và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 5 xuống 4% và 3,8% YoY, một phần do so sánh với mức nền cao của cùng kỳ và do giá năng lượng hạ nhiệt. Số liệu lạm phát tháng 6 sẽ được công bố vào ngày 12/7 có thể cho thấy quá trình giảm phát tiếp tục, do so với mức đỉnh của cùng kỳ.
Tuy nhiên, chỉ số PCE cơ bản (loại giá năng lượng và thực phẩm) tháng 5 tăng 4,6% theo năm – đây có thể là cơ sở để FED tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7. Theo dữ liệu của công cụ CME FedWatch, xác suất cao là FED sẽ tăng thêm 25 điểm trong cuộc họp FOMC ngày 27/7 lên mức 5,25 – 5,5%.
Theo quan điểm của Marie Asset, mặc dù lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% nhưng FED đang tiến gần hơn đến điểm kết thúc của chu kỳ thắt chặt tiền tệ khi cân nhắc thêm độ trễ của chính sách đến nền kinh tế, qua đó nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm thành công. Giai đoạn tiếp theo sẽ là giữ lãi suất ở mức cao đó trong khi theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế sắp tới (đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát).
Trong thời gian tới, chỉ số USD được kì vọng sẽ tiếp tục duy trì ở quanh vùng 101-105 điểm với triển vọng FED sẽ sớm dừng chu kỳ tăng lãi suất, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.
“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tiền đồng vẫn được giữ ổn định so với đồng USD do Việt Nam có lợi thế về thặng dư thương mại (nửa đầu năm 2023: 12,25 tỷ USD), dòng vốn FDI giải ngân ổn định (nửa đầu năm 2023: hơn 10 tỷ USD), cũng như việc thanh khoản hệ thống được điều tiết tốt”, Mirae Asset bình luận.