Tỷ giá tăng sốc do giảm lãi suất
Ngày 20/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng mỗi khi lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Doanh nghiệp đề nghị phía cơ quan chức năng có biện pháp phù hợp để ổn định tỷ giá.
Lo ngại của doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở. Ngay từ đầu năm 2023, ngành ngân hàng luôn nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động, để từ đó giãm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của động thái này chính là khiến tỷ giá tăng mạnh.
Tới ngày 19/9, tỷ giá đạt “đỉnh”. Mặt bằng giá bán ra đồng USD đã vượt qua mốc 24.500 đồng/USD. Cá biệt có Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) niêm yết giá bán cao nhất thị trường, gần đạt 24.700 đồng/USD.
Cuối ngày 19/9, tỷ giá USD/VND tại OCB giao dịch ở mức: 24.223 đồng/USD – 24.693 đồng/USD. So với ngày 31/12/2022, tỷ giá tại OCB tăng 878 đồng/USD chiều mua vào, tương đương 3,76% và tăng 693 đồng/USD chiều bán ra, tương đương 2,89%.
Đà tăng này đã gây áp lực cho doanh nghiệp nhập khẩu, từ đó khiến giá nhập khẩu và kết quả là giá bán ra tăng có thể khiến lạm phát tăng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề tỷ giá là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Tỷ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc kiểm soát tỷ giá cũng rất quan trọng, như lãi suất.
Trả lời doanh nghiệp tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.
“Tại cuộc họp gần đây, tôi cũng đã có nói, điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Bà Hồng cũng khẳng định hiện Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.
Một trong những thông tin quan trọng nhất của thị trường toàn cầu trong tháng 9 chính là việc “chốt” lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp diễn ra vào ngày 20/9.
Theo đó, đúng như dự báo, FED tạm thời “nghỉ”, không tăng lãi suất lần này nhưng lãi suất USD vẫn ở mức cao nhất 22 năm. Đồng thời, FED “hứa” hẹn sẽ có thêm một đợt tăng nữa trong năm nay.
Ngay sau thông tin này, đồng đô la đạt đỉnh mới vào thứ Năm, ở mức cao nhất so với đồng yên kể từ tháng 11. Chỉ số đô la, thước đo tiền tệ so với rổ đối thủ, đã tăng cao tới 105,59 vào thứ Năm, mức cao nhất kể từ ngày 9 tháng 3.
Chỉ số này đã tăng tuần thứ chín liên tiếp vào tuần trước, chuỗi tăng dài nhất trong gần một thập kỷ khi tốc độ tăng trưởng kiên cường của Mỹ thúc đẩy sự phục hồi của đồng đô la.
Trong khi đó, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp mới trong nhiều tháng sau khi báo cáo lạm phát gây bất ngờ giảm giá vào thứ Tư. Đồng euro giảm hơn 0,2% ở mức 1,0632 USD.
Chỉ số đô la đạt đỉnh sau khi FED giữ lãi suất USD ở mức cao nhất 22 năm. Thế nhưng, ở thị trường trong nước, tỷ giá USD/VND lại quay đầu suy giảm đáng kể, giam từ 50 đồng/USD tới 80 đồng/USD.
Tới sáng 22/9, tỷ giá USD/VND bắt đầu rục rịch đi lên nhưng biến động thấp hơn rất nhiều so với các phiên gần đây.
Tại OCB, tỷ giá niêm yết ở mức 24.148 đồng/USD – 24.613 đồng/USD, không đổi so với cuối ngày hôm qua.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh đồng USD tăng 10 đồng/USD ở cả chiều mua vào và bán ra lên 24.130 đồng/USD -24.470 đồng/USD.
Tỷ giá tạm thời được kìm cương nhờ động thái “hút tiền” của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo về việc phát hành 9.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Đáng chú ý, đây là phiên đầu tiên NHNN sử dụng lại nghiệp vụ bán kỳ hạn sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3/2023).