Có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước cất để rửa mắt
Theo Sở Y tế TP.HCM, về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn như đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng… phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ, như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin… Theo Sở Y tế TP.HM, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Theo khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ)…
Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid
Các bác sĩ chuyên khoa Mắt khuyến cáo người dân khi bị đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Đức Quốc (Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, các loại thuốc nhỏ mắt sẽ phù hợp với từng trường hợp khác nhau.
“Người bệnh không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt quá nhiều khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại có chứa kháng sinh vì có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như: dị ứng gây đỏ mắt, nóng rát, xốn mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi, thủng giác mạc, kháng thuốc, thậm chí có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh hiện tại.
Khi gặp một trong những triệu chứng bất thường thì người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đình Trung Chính (Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2) chia sẻ, đau mắt đỏ nếu không điều trị, để lâu có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Do đó khi trẻ đau mắt đỏ có dấu hiệu sưng đỏ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để có chỉ định điều trị kịp thời. Không nên chủ quan để lâu hoặc tự ý mua thuốc, nhỏ thuốc cho trẻ, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng thị lực trẻ.
Các biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ
Theo khuyến cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là adenovirus) là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.