Trong những năm gần đây, cấp mã số vùng trồng ngày càng được quan tâm hơn trong phát triển nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Song song với việc phát triển nông nghiệp tốt, mã số vùng trồng đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản trên địa bàn tỉnh. Điển hình như bưởi Hàm Yên, các loại chè hữu cơ, đã bắt đầu khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường quốc tế. Một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho hành trình này chính là mã số vùng trồng – “Giấy thông hành” không thể thiếu để đưa nông sản Tuyên Quang vươn xa.
Hợp tác xã tiên phong áp dụng mã số vùng trồng
Vườn bưởi hữu cơ của chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX Rau quả hữu cơ Quang Mừng, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên có trên 1.000 gốc bưởi diễn, bưởi da xanh, bưởi hoàng và bưởi đào hường rộng gần 10ha. Mỗi năm, vườn bưởi cho thu hoạch trên 20 nghìn quả các loại. Bưởi hữu cơ khi thu hoạch có hình thức đẹp, quả to đều, được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá trung bình từ 15-40 nghìn đồng/quả. Sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX được nhiều khách hàng ở thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao như trong chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh ưa chuộng sử dụng.
Chị Huyền chia sẻ: “Trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ, không chỉ giúp đất khỏe, người khỏe mà quả bưởi còn cho chất lượng cao, mã đẹp, ngọt đậm. Năm 2020, vườn bưởi của HTX đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đến năm 2023 HTX đã được cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó, sản phẩm của chúng tôi đã có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn như Trung Quốc, Úc…. Với mã số vùng trồng, sản phẩm được kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng, minh bạch, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.”
Cây chè Shan tuyết – giống cây trồng chủ lực tại huyện Na Hang
Tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, Sản phẩm chè San tuyết một tôm, một lá của HTX Sơn Trà là nông sản duy nhất của xứ Tuyên có cơ hội đạt OCOP 5 sao. Những năm qua HTX Sơn Trà đã đầu tư mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng chế biến. Năm 2022, HTX có 21 ha diện tích chè, được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC CGLOBAL cấp giấy chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt 63 tấn/ năm. Tháng 10 năm 2023, HTX đã được cấp mã số vùng trồng chè đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường EU.
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết: Với những nỗ lực không ngừng trên hành trình chinh phục thị trường, HTX mong muốn xây dựng khát vọng đưa sản phẩm chè trở thành niềm tự hào của nông sản xứ Tuyên. Năm 2020, sản phẩm chè của HTX được cấp giấy chứng nhận thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2022 đạt giải thưởng Vinh danh thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Châu Á Thái Bình Dương.
Mã số vùng trồng – Bước tiến quan trọng cho nông sản Tuyên Quang
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, tính đến đầu năm 2024, tỉnh đã cấp được 29 mã số vùng trồng cho hàng trăm ha diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp. Trong đó có 14 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu và 15 mã số vùng trồng nội tiêu. Bên cạnh đó, cấp cho 2 cơ sở đóng gói chè đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường EU.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Việc hỗ trợ cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu đã tạo điều kiện để các sản phẩm đảm bảo về chất lượng, thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị nông sản trên thị trường.
Việc đăng ký mã số vùng trồng cũng là điều kiện bắt buộc đối với nông sản muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, hay Nhật Bản. Đây là quy trình quản lý và giám sát chất lượng chặt chẽ, đảm bảo nông sản được sản xuất theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hoạch và chế biến. Mỗi sản phẩm mang mã số vùng trồng là minh chứng cho cam kết của người nông dân với người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Lợi ích kép từ mã số vùng trồng
Không chỉ nâng cao giá trị nông sản, mã số vùng trồng còn mang lại những lợi ích kép cho nông dân và địa phương. Trước đây, giá bán nông sản chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nội địa và mùa vụ. Tuy nhiên, với mã số vùng trồng, sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, tạo cầu nối cho xuất khẩu. Điều này giúp nông dân ổn định đầu ra và cải thiện thu nhập đáng kể.
Bên cạnh đó, mã số vùng trồng còn là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và giữ gìn hệ sinh thái địa phương. Nhờ việc giám sát chặt chẽ từ khâu canh tác, người dân không chỉ sản xuất ra nông sản an toàn mà còn hạn chế việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng.
Để việc áp dụng mã số vùng trồng phát huy hiệu quả, Tuyên Quang còn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về trình độ quản lý và kiến thức chuyên môn của người dân, sự thay đổi của thị trường và yêu cầu tiêu chuẩn cao từ các nước nhập khẩu. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho nông dân và các hợp tác xã về tầm quan trọng của mã số vùng trồng. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất.
Mã số vùng trồng đã và đang trở thành một công cụ quan trọng để khẳng định vị thế của nông sản Tuyên Quang, giúp tỉnh vững bước trên con đường phát triển bền vững. Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm của từng người nông dân, hành trình đưa nông sản Tuyên Quang vươn xa hơn sẽ trở thành hiện thực.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh
Nguồn: http://tuyenquang.gov.vn/vi/post/xay-dung-ma-so-vung-trong-giay-thong-hanh-dua-nong-san-tuyen-quang-vuon-xa?type=NEWS&id=131332