Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Tuyên Quang thời gian qua tiếp tục có nhiều đổi mới, theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của luật và tình hình thực tiễn của của tỉnh, giám sát sâu, đi tận cùng vấn đề.
Giám sát để kiến tạo phát triển
Phát triển lâm nghiệp là một chủ trương lớn của tỉnh Tuyên Quang, hướng đến mục tiêu quan trọng là xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ của cả nước. Tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách phát triển rừng như: hỗ trợ cây giống chất lượng cao, hỗ trợ gạo cho người dân bảo vệ và phát triển rừng thuộc tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cùng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển lâm nghiệp.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và kiến tạo phát triển, HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề về phát triển lâm nghiệp của tỉnh nhằm chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện. Theo đó, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, kết quả giám sát của HĐND tỉnh ở các địa phương cho thấy, việc phát triển, mở rộng diện tích, hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung quy mô lớn bằng giống cây chất lượng cao; công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; phát triển cây lâm nghiệp bản địa, lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế còn hạn chế.
Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh ứng cử tại thành phố Tuyên Quang giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Cùng với đó, việc phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng lâm nghiệp được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu so với yêu cầu phát triển; công tác giao đất giao rừng còn vướng mắc… Những vấn đề bất cập này đã được báo cáo trực tiếp tại kỳ họp cuối năm 2023 để HĐND thảo luận và có những quyết sách mới cho sự phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
Hay như đối với việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, sau giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc phối hợp của các đơn vị địa phương trong thực hiện các cơ chế theo nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành. Đặc biệt là việc tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời chấn chỉnh đảm bảo chất lượng các công trình kênh mương kiên cố hóa theo đúng thiết kế mẫu đã ban hành. Đồng thời tổ chức khắc phục ngay hạn chế đối với những công trình kênh mương kiên cố hóa đã thi công không đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Đây chỉ là hai trong số hàng chục cuộc giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thông qua giám sát, những bất cập, tồn tại hạn chế đã được thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra để chính quyền, các ngành chức năng cùng chung tay khắc phục, thao gỡ các điểm nghẽn vì mục tiêu phát triển chung.
Nâng chất giám sát và tái giám sát
Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Triển khai Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn các hoạt động giám sát; đồng thời bám sát thực tiễn đời sống xã hội, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND các cấp trong tỉnh đã chú trọng đổi mới hoạt động giám sát trên nhiều khâu. Trước hết là lựa chọn nội dung giám sát là các vấn đề bất cập ở địa phương hoặc vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội, được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm.
Để đảm bảo hoạt động giám sát có chất lượng, trên cơ sở lựa chọn nội dung giám sát, Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc để chọn đối tượng, phạm vi, địa bàn giám sát phù hợp; xây dựng kế hoạch giám sát tình hình thực tiễn yêu cầu chuyên đề giám sát trên cơ sở nắm bắt, lắng nghe thêm thông tin từ cử tri và Nhân dân. Một số cuộc giám sát để đảm bảo có chất lượng, Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ và đại biểu HĐND tỉnh tổ chức khảo sát trước nhằm nắm bắt thông tin đầy đủ, toàn diện và chính xác để khi tiến hành giám sát mang lại hiệu quả cao hơn.
Thường trực HĐND tỉnh giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với việc tổ chức các cuộc giám sát, HĐND tỉnh còn chú trọng việc giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND. Qua đó “đeo bám” đến cùng các vấn đề đã phát hiện, kiến nghị để các cơ quan chức năng giải quyết xong. Định kỳ trước kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ngành báo cáo kết quả thực hiện; những vấn đề chậm trễ, không tạo chuyển biến mà nguyên nhân thuộc về chủ quan thì Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đưa vào phiên giải trình hoặc đưa vào chương trình nội dung kỳ họp thường lệ của HĐND để thảo luận, để chất vấn làm rõ trách nhiệm.
Trên thực tế, đã có nhiều vấn đề sau tái giám sát đã được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức các phiên giải trình như: duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; việc xem xét, đền bù đất, tài sản trên đất bị ngập úng trong vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa của cử tri xã Năng Khả, Thanh Tương và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang; Công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; về việc giải quyết, thi hành án các vụ án, vụ việc dân sự, vụ án hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh…
Chung tay gỡ “điểm nghẽn”
Với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã kịp thời phát hiện và kiến nghị, đề nghị các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Trung Hà (Chiêm Hóa) Seo Văn Sử chia sẻ: Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 15/10/2020 của HĐND tỉnh về kiên cố hóa kênh mương, đã góp phần giúp địa phương xây dựng được nhiều tuyến kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, đảm bảo cho các cánh đồng đủ nước tưới tiêu 2 vụ lúa. Nhưng quá trình triển khai thực hiện, chính quyền cũng còn lúng túng trong quy trình thủ tục đăng ký, hồ sơ quyết toán. Sau khi HĐND tỉnh giám sát và chỉ ra hạn chế, đã giúp UBND xã nắm rõ các quy trình, thủ tục để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết trên địa bàn xã.
Ngày 10/12/2022 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 quy định chính sách hỗ trợ người mắc bệnh Suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassaemia) trên địa bàn tỉnh. Đây là nghị quyết rất nhân văn, được xây dựng thông qua thực tế hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Qua một năm thực hiện, từ thực tế giám sát, lắng nghe tiếng nói từ người dân cho thấy người bệnh còn gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính do quy định “Sở Y tế là đơn vị giải quyết thủ tục hành chính và lập dự toán, quản lý thanh quyết toán hỗ trợ”. Quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đề nghị thanh toán khi nộp qua Trung tâm hành chính công hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính phần lớn không đủ điều kiện thanh toán, do chưa khớp các thông tin, giấy ủy quyền không hợp lệ… HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết để sửa đổi chuyển nhiệm vụ thanh toán hỗ trợ từ Sở Y tế sang UBND huyện, thành phố nơi người bệnh cư trú hoặc cơ sở y tế nơi người bệnh điều trị. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người bệnh được hưởng chính sách kịp thời.
Thông qua giám sát về hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung vào Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 về chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND quy định về chế độ phụ cấp đối với các chức danh kiêm nhiệm của HĐND cấp xã như: Trưởng ban, Phó trưởng Ban HĐND cấp xã; đồng thời, ban hành quy chế mẫu hoạt động của HĐND đảm bảo tính thống nhất chung trong toàn quốc làm cơ sở pháp lý để HĐND các cấp chủ động và linh hoạt trong xây dựng quy chế hoạt động HĐND cấp mình phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ sớm hành văn bản quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND và UBND cấp huyện; quy định việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND và UBND cấp xã (theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương)…
Với nhiều nỗ lực, hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND, thể hiện được vị thế hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.
Bài, ảnh: Ngọc Hưng
(Còn nữa)
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/vi-muc-tieu-kien-tao-va-phat-trien-bai-1-giam-sat-di-vao-thuc-chat-199800.html