Trong 4 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định, 2 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương được kiện toàn, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số kịp thời, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương và đại biểu dự họp tại điểm cầu UBND tỉnh.
Tuy nhiên, trong thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế: Một số Nghị định hướng dẫn Luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai chậm; mô hình hoạt động của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa thống nhất; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 38,3%; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục cơ sở dữ liệu và danh mục dữ liệu mở; hạ tầng số còn hạn chế, toàn quốc còn 1.077 thôn chưa có sóng băng rộng di động, trong đó, 838 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt 181 thôn chưa có điện lưới; việc thống kê, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số và xã hội số còn gặp nhiều khó khăn do chưa có đủ nguồn thông tin để cập nhật; nhiều hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa có giải pháp đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ…
Các đại biểu đã thảo luận về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn và nguyên nhân tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia từ sau phiên họp thứ 7 với trọng tâm là phát triển kinh tế số; chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; các giải pháp trọng tâm thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra…
Đại biểu Tuyên Quang dự họp trực tuyến.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là khâu đột phá, cuộc cách mạng yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiệm vụ hiện nay là phải tập trung là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; chú trọng 3 đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực, và kết cấu hạ tầng.