Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của Đảng, quân và dân Tuyên Quang đã có những chuẩn bị tích cực để tham gia kháng chiến, sẵn sàng đánh trả các cuộc tấn công của địch.
Cựu chiến binh và nhân dân xã Trung Môn (Yên Sơn) thăm Bia chiến thắng Km 7 – nơi Tự vệ Tuyên Quang đặt địa lôi phục kích tiêu diệt giặc Pháp năm 1947. Ảnh: K.T
Tháng 4-1947, Tỉnh đội Tuyên Quang được thành lập. Một số đồn công an được xây dựng tại những điểm trọng yếu. Mọi ngả đường vào vùng căn cứ địa đều được canh gác cẩn mật. Tỉnh có hàng vạn dân quân du kích, trong đó số có chất lượng, có khả năng chiến đấu khoảng trên 5.000 người. Ngoài lực lượng cảnh vệ của tỉnh, huyện, mỗi huyện có một trung đội du kích thoát ly, mỗi xã có một trung đội dân quân chiến đấu. Trên các trục đường bộ, nhân dân đã đào hàng ngàn hố nhỏ, hố chống tăng, đắp ụ, chặt cây làm chướng ngại vật cản đường hành quân của địch. Trên sông Lô, ta xây được 2 kè cản tàu chiến, ca nô. Một số bãi chông được cắm ở bãi sông, các triền bãi rộng mà địch có thể lợi dụng để nhảy dù, đổ bộ.
Sau nhiều lần bị chặn đánh trên đường hành quân, ngày 13-10-1947, binh đoàn Com-muy-nan chiếm được thị xã Tuyên Quang, rải quân đóng chốt một số điểm cao, các vị trí quan trọng trong vùng ven thị xã, tập kết quân đến theo đường thủy (sông Lô, sông Gâm) và đường bộ hành quân lên Chiêm Hóa hòng hội quân với binh đoàn Bô-phrê từ Bắc Kạn sang. Cũng từ thị xã, quân Pháp theo Quốc lộ 2 đánh xuống Đoan Hùng, theo đường 13A (nay là Quốc lộ 37) qua Bình Ca thọc vào càn quét vùng Sơn Dương.
Nằm trong mặt trận Sông Lô – đường số 2, mục tiêu chiếm đóng, càn quét chủ yếu của gọng kìm phía Tây Việt Bắc của quân Pháp, chiến sự tại Tuyên Quang diễn ra khá dồn dập. Về cơ bản có thể chia thành 3 giai đoạn ngắn: Giai đoạn 1 (từ ngày 11-10 đến cuối tháng 10-1947), từ thị xã Tuyên Quang địch tấn công càn quét Chiêm Hóa các vùng lân cận thị xã; giai đoạn 2 (cuối tháng 10 đến 21-11-1947) quân Pháp rút lui từng phần từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, đồng thời tiếp tục các hoạt động càn quét về hướng Sơn Dương; giai đoạn 3 (từ ngày 22-11 đến ngày 15-12-1947) quân Pháp rút khỏi thị xã Tuyên Quang, tiến sâu vào Sơn Dương đồng thời đưa quân tiếp viện lập gọng kìm càn quét vùng Thiện Kế (thuộc huyện Sơn Dương), vùng tiếp giáp giữa núi Hồng và Tam Đảo sau đó rút lui hoàn toàn khỏi Tuyên Quang.
Ở giai đoạn đầu, quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp cùng bộ đội tổ chức các cuộc phục kích trên Quốc lộ 2, đường bộ đi Chiêm Hóa và trên sông Lô, sông Gâm, làm chậm bước hành quân của địch. Từ ngày 15-10 đến 22-10-1947, quân Pháp liên tục bị phục kích, vấp phải địa lôi ở Km5 đến Km7 đường Tuyên Quang-Hà Giang. Trận phục kích địa lôi của tự vệ thành Tuyên Quang tại Km7 ngày 22-10-1947 đã tiêu diệt gần 100 tên, bẻ gãy cuộc hành quân của 1 tiểu đoàn Pháp. Cánh quân thủy hành quân theo sông Lô, sông Gâm lên Chiêm Hóa gặp nhiều khó khăn vì mắc cạn, bị phục kích. Trong khi đó, quân Pháp từ Bắc Kạn đánh sang không thấy cánh quân phía Tây từ Tuyên Quang lên nên đã rút lui. Kế hoạch hợp quân tại Đài Thị vào trung tuần tháng 10-1947 của quân Pháp đã không thực hiện được.
Không thực hiện được mục tiêu của kế hoạch hành quân, đến tháng 11-1947, theo đường bộ và đường sông, quân Pháp rút khỏi Chiêm Hóa về Tuyên Quang.
(còn nữa)
Duy Đức
(Theo các Tư liệu lịch sử)
Theo Báo Tuyên Quang