Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Y Thanh Hà Nie Kđăm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Toàn cảnh Hội thảo.
Dự hội thảo có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số tỉnh, thành phố. Về phía tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, Đoàn ĐBQH, một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Nie Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo.
Khai mạc hội thảo, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Nie Kđăm nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng, miền của cả nước.
Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc đã bao trùm toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi, vùng khó khăn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội thảo.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí khẳng định, Hội thảo là diễn đàn để Hội đồng Dân tộc, cũng như các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình hiện nay, phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc.
PGS. TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội phát biểu thảo luận.
Các tham luận cũng đề xuất việc sử dụng các thuật ngữ, khái niệm trong xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc áp dụng các đối tượng vùng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc hiện nay; áp dụng các đối tượng con người cụ thể, hộ gia đình, cộng đồng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc; thực trạng và những khuyến nghị, đề xuất việc triển khai chính sách pháp luật liên quan đến quy định đối tượng vùng, dân tộc trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu thảo luận tại Hội thảo.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm bày tỏ vinh dự và vui mừng khi Tuyên Quang được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lựa chọn địa điểm tổ chức Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh, Tuyên Quang chiếm tới trên 57% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với 121/138 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định về cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu chào mừng tại Hội thảo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm chia sẻ: Mặc dù trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ngoài các chính sách chung của Nhà nước, tỉnh luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ về phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm, nhà dột nát, khám chữa bệnh, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế… Tỉnh chú trọng phát triển cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số, đã xây dựng và ban hành Đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023-2030…
Đồng chí khẳng định, Hội thảo được tổ chức tại Tuyên Quang là cơ hội để tỉnh tiếp thu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc nói chung và các cơ chế, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học phân tích, làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở chính trị, nội hàm và việc sử dụng các thuật ngữ (khái niệm) công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay; việc phân loại, phân định vùng, miền núi, vùng cao và vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tính thống nhất, phù hợp trong các văn bản chính sách pháp luật quy định về tổ chức chính quyền địa phương và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức liên quan đến phân định đối tượng áp dụng chính sách miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, ATK…