Hội CCB, Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh thăm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Bàn Thanh
Chuyện trong chiến dịch
Đã bước sang tuổi 96 nhưng chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Công Huấn, tổ dân phố Tân Kỳ, thị trấn Sơn Dương vẫn còn nhớ rất rõ những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Huấn tình nguyện lên đường chiến đấu từ khi còn tuổi đôi mươi, tham gia cuộc kháng chiến toàn quốc vào năm 1946 rồi tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950. Sau đó, cụ được cử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện nhiệm vụ mở đường, sửa chữa các tuyến đường giao thông huyết mạch và cầu để quân ta hành quân lên Điện Biên Phủ.
Cụ Huấn kể, thời điểm chuẩn bị mở màn chiến dịch, có ngày quân Pháp ném tới hàng trăm quả bom xuống khu vực đèo Lũng Lô nhưng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, ông Huấn cùng đồng đội, những người lính công binh phá đá mở đường đã bất chấp bom rơi, đạn nổ, vượt qua hiểm nguy ngày đêm bám đường. Địch phá, ta sửa, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch bắn phá ban ngày, ông Huấn và đồng đội mở đường vào ban đêm. Dù gian khổ, nguy hiểm nhưng ông Huấn và đồng đội vẫn bảo đảm an toàn cho dân công tải lương, tải đạn qua các cung đèo để chi viện cho tiền tuyến.
Nói đến giây phút chiến thắng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đôi mắt của cụ Trần Văn Doanh, thôn An Lộc A, xã An Khang, TP Tuyên Quang nhòe lệ bởi niềm xúc động. Cụ Doanh kể: “Nghe tin chiến thắng, tôi và đồng đội nhảy cẫng lên ôm nhau, hò reo không ngớt, nhiều đồng đội của tôi đã khóc. Tôi cũng khóc giây phút ấy vì tôi biết tôi sẽ được trở về, được gặp lại mẹ, được gặp lại người thân”.
Chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Công Huấn, tổ dân phố Tân Kỳ, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) ôn lại kỷ niệm bên các đồng đội.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Doanh làm nhiệm vụ lái xe vận tải lương thực, thuốc men lên chi viện cho tiền tuyến. Vì công việc của ông phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tránh làn mưa bom, bão đạn của kẻ địch nên thường phải lái xe xuyên đêm. Những chiếc xe vận tải sau mỗi chiến thắng của quân ta và địch đã được trưng dụng để chi viện cho chiến trường bởi vậy, có những chiếc xe không có kính chắn gió, không có hai cánh cửa, không có đèn pha, đèn Taplo, những người lái xe như cụ Doanh phải tận dụng đèn xi-nhan lắp xuống dưới gầm để băng rừng, băng đèo lái đi trong đêm.
Công việc vừa phải đảm bảo tuyệt đối bí mật lại gặp nguy hiểm bởi một bên là vực sâu, một bên là núi cao, nếu chẳng may lái kém thì có thể rơi cả người, cả xe xuống vực hoặc có thể bị địch phát hiện mà rải bom. Thế nhưng trong suốt quá trình tham gia chiến dịch, với bản lĩnh và tinh thần quả cảm, cụ Doanh đã lái không biết bao nhiêu chuyến xe để vận chuyển lương thực, thuốc men lên chiến trường Điện Biên.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, biết bao nhiêu người con của Tuyên Quang đã xung phong lên đường tham gia chiến dịch không tiếc máu xương bảo vệ từng mảnh đất quê hương. Mỗi người là một câu chuyện, là những ký ức xúc động nghẹn ngào, là nhân chứng lịch sử hào hùng để giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Viết tiếp bài ca chiến thắng
Phát huy truyền thống 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của thế hệ cha anh đi trước, hôm nay trên mảnh đất quê hương cách mạng Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa quyết tâm xây dựng Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến ngày càng giàu đẹp.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, kinh tế – xã hội của Tuyên Quang có nhiều bước tiến vượt bậc, duy trì tốc độ tăng trưởng, an ninh – quốc phòng được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều sáng tạo, đổi mới. Hạ tầng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.
Chiến sỹ Điện Biên Trần Văn Doanh, thôn An Lộc A, xã An Khang (TP Tuyên Quang) nhớ lại năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chỉ trong quý I năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm GRDP đạt 8,6%, xếp thứ 2/14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, 14/15 chỉ tiêu cơ bản đều đảm bảo lộ trình đề ra. Bình quân giai đoạn 2021 – 2023, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,06%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,9%/năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 vùng sản xuất hàng hóa với hàng trăm sản phẩm OCOP, đặc sản, có chỉ dẫn địa lý. Tỉnh đang phấn đấu xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của cả nước.
Tỉnh đã phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhiều khu, điểm du lịch độc đáo đã được hình thành. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại. Nhiều dự án, công trình trọng điểm về kết nối giao thông đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cải cách hành chính của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Tuyên Quang năm 2023 đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,11% so với năm 2022).
Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh lãnh đạo toàn diện về tư tưởng chính trị, đạo đức, công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.
Những thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã khẳng định, Tuyên Quang đã và đang viết tiếp khúc tráng ca bất tử “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, quyết tâm và nỗ lực cao nhất đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.