Thu hút các dự án
Tỉnh Tuyên Quang đã “rải thảm” thu hút các nhà đầu tư thu hút dự án, nhất là các dự án phát triển đô thị, nhà ở mở ra không gian đô thị mới, tăng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn. Nhiều dự án hoàn thành đã khẳng định rõ điều này như dự án Shophouse của Tập đoàn VinGroup, Dự án khu đô thị Việt Mỹ, Khu đô thị Thịnh Hưng (phường Tân Hà), Tân Phát (phường Ỷ La)…
Tháng 10-2023, Dự án Danko Center do Tập đoàn Sun Times đầu tư đã chính thức khởi công tại xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang). Với vai trò là một trong những dự án hạ tầng đô thị hiện đại hàng đầu tại Tuyên Quang, Danko Center được kỳ vọng như “cú huých” đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hoàn chỉnh diện mạo thành phố Tuyên Quang theo hướng hiện đại.
Khu đô thị Danko Center được xây dựng trên diện tích trên 42 ha, là một trong những dự án sở hữu hạ tầng đồng bộ với kết nối giao thông thuận tiện với các trung tâm hành chính, khu vui chơi giải trí, y tế và giáo dục… của khu vực. Dự án có các loại hình bất động sản 233 căn shophouse, 533 căn liền kề, 66 căn biệt thự đơn lập và 92 căn biệt thự cùng đầy đủ tiện ích văn minh như trung tâm thương mại, phố đi bộ, công viên… Hiện tại, dự án đã hoàn thành xong phần nền, cổng chào và bước đầu thi công đến các phân khu thuộc dự án.
Mặt bằng Dự án khu đô thị Danko Center xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã được hoàn thiện bước đầu xây dựng các phân khu.
Dự án Flamingo Heritage Tân Trào, xã Tân Trào (Sơn Dương) đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, một khu đô thị sinh thái hiện đại, đẳng cấp nhất đã định hình ngay trung tâm xã. Ông Đỗ Cao Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Flamingo Tân Trào phấn khởi cho biết, hiện tại dự án đã xong và đưa vào sử dụng khu Central với 32 căn shop và nhà đón tiếp, dự tính ngày 25-7 tới sẽ xong khu festival và đến tháng tiếp theo sẽ hoàn thành khách sạn 4 sao. Dự án Flamingo Heritage Tân Trào là một trong những dự án quan trọng của tỉnh không những thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Sơn Dương mà còn đáp ứng nhu cầu ở phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đồng thời tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Hà, Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng cho biết: Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn đang diễn ra nhanh chóng, nhất là ở thành phố Tuyên Quang, Sơn Dương, Yên Sơn… Diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh có bước “chuyển mình” rõ rệt, khang trang và hiện đại hơn; chất lượng cuộc sống cư dân đô thị được nâng cao.
Tạo nguồn lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa
Toàn tỉnh có 7 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II là thành phố Tuyên Quang, 4 đô thị đã được hình thành từ lâu gồm: thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương); thị trấn Na Hang (Na Hang); thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). 2 đô thị loại V mới được xây dựng gồm thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn), thị trấn Lăng Can (Lâm Bình). Tính đến hết tháng 6, tốc độ đô thị hóa của tỉnh đạt 25,5% cơ bản đạt mục tiêu Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Quốc Dũng nhấn mạnh, xác định đô thị hóa là động lực lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa; tập trung phát triển một số đô thị làm động lực phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng huyện. Trong đó, trọng tâm phát triển thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị hạt nhân, tạo sức hút; hỗ trợ phát triển các khu du lịch: Khu du lịch Na Hang, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào…
Đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn được đầu tư xây dựng gần 700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dù mới đi vào khai thác, song đã mở ra không gian phát triển mới của thành phố Tuyên Quang và của huyện Yên Sơn. Đây cũng là tiền đề cho phát triển các khu đô thị mới dọc hai bên tuyến đường, gắn kết với trung tâm thành phố Tuyên Quang, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và của thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn nói riêng.
Chỉ 6 tháng trước, anh Đinh Tuyên Huấn, tổ dân phố Tiền Phong, thị trấn Yên Sơn chỉ biết đến ruộng nương, bờ bãi nhưng nay anh đã trở thành ông chủ hàng tạp hóa và quán hàng ăn sáng. Anh Huấn phấn khởi cho biết: Đường mở ra, người dân đi lại thuận tiện, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng tăng cao. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân sở tại và người đi đường, vợ chồng anh mở quán bán hàng, cuộc sống khấm khá lên nhiều.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, ngành cũng đã tổ chức lập 16 các đồ án quy hoạch chung đô thị mới trên địa bàn tại các xã Sơn Nam, Hồng Lạc, Tân Trào (Sơn Dương); xã Mỹ Bằng, Trung Môn, Xuân Vân (Yên Sơn); xã Thái Sơn, Phù Lưu (Hàm Yên); xã Hòa Phú, Ngọc Hội, Kim Bình, Trung Hà (Chiêm Hóa); xã Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang); xã Thượng Lâm, Phúc Sơn (Lâm Bình). Hiện 2 đồ án gồm: Đồ án quy hoạch đô thị Sơn Nam, Hồng Lạc (Sơn Dương) đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện đang tổ chức cắm mốc ranh giới ngoài thực địa. Việc lập đồ án quy hoạch sẽ phát triển đô thị theo đúng lộ trình đặt ra.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Quốc Dũng khẳng định: Triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ kiểm soát phát triển hệ thống đô thị theo phân loại, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nâng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 27%; đến năm 2030 đạt trên 35%.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/trien-khai-hieu-qua-quy-hoach-thuc-day-qua-trinh-do-thi-hoa-194531.html