Tuyên Quang là tỉnh có nhiều dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc đều có những nét văn hoá, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm, tạo nên những sắc thái riêng biệt. Top 8 món ngon ẩm thực Tuyên Quang hấp dẫn nhất dưới đây gợi ý cho du khách cái nhìn hấp dẫn về nét ẩm thực phong phú và rất đặc trưng.
1. Bánh Gai Chiêm Hóa
Bánh Gai Chiêm Hóa là loại bánh đặc trưng của đồng bào người Tày ở Chiêm Hóa – Tuyên Quang được làm vào mỗi dịp rằm tháng bảy để thờ cũng tổ tiên, dâng lên tổ tiên, ông bà thể hiện tấm lòng hiếu thảo biết ơn của con cháu.
Chiếc bánh Gai nhân đậu xanh với dừa mịn màng, thơm mùi đường mía, lá gai và lá chuối khô hòa quyện với vị ngậy, giòn sần sật của gia vị là sản phẩm nức tiếng, riêng có của huyện Chiêm Hóa.Là loại bánh ngọt, nhưng vị ngọt của bánh gai Chiêm Hóa rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Khi thưởng thức, nhân đậu xanh quện với dừa tươi cho ta vị ngậy bùi. Bánh có mùi thơm của lá gai, phảng phất mùi của lá chuối khô.
2. Bánh dày nhân vừng đen Na Hang
Bánh dày là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bánh dày ở mỗi vùng miền lại có mùi vị, cách chế biến khác nhau thể hiện dấu ấn riêng của từng vùng.
Người Tày sử dụng gạo nếp nương, một loại gạo có một mùi thơm rất đặc trưng, hạt to, trong, không pha trộn với gạo tẻ. Nhân bánh được làm bằng vừng đen và đường trắng, tưởng chừng đơn giản nhưng lại làm nên sự thơm ngon của chiếc bánh bởi tính dẻo của gạo nếp đã hòa quyện với vị ngọt thơm của nhân bánh. Chính mùi vị thơm ngon, dẻo mà không bị dính đã làm nên đặc trưng của món bánh dày vừng đen. Món ăn giản dị, đậm đà hương vị quê hương không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn chứa đựng trong đó sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây; là món quà quê ý nghĩa thể hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Tày Na Hang
3. Cơm lam Sơn Dương
Cơm lam Sơn Dương đã trở thành đặc sản hấp dẫn khách tham quan, du lịch. Bí quyết tạo nên nét đặc trưng của cơm lam nơi đây chính là việc chọn loại nếp.
Gạo nếp phải chọn loại gạo trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là nếp nương, sau đó ngâm gạo với nước suối, vo sạch, rắc ít muối… Việc nướng cơm lam là một nghệ thuật. Theo kinh nghiệm người dân nơi đây thì khi nướng cần phải xoay đều tay trên bếp than hồng để cơm chín đều. Thông thường thì nướng khoảng 30-40 phút thì cơm chín. Du khách thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không thể quên được hương vị dẻo thơm, bùi, ngọt của từng ống cơm lam.
4. Cam sành Hàm Yên
Cam sành là một loại quả nổi tiếng được trồng lâu đời trên vùng đất huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Cam sành tại đây mang hương vị đặc trưng riêng, được hấp thụ tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát lành nên vị ngọt cũng khác hẳn cam sành vùng khác.
Trái cam to, hình hơi dẹt, màu vàng ươm trông bắt mắt hơn hẳn các loại cam quýt đến từ các vùng miền khác. Những du khách đến với mảnh đất Hàm Yên – Tuyên Quang không chỉ tận hưởng những vị cam thơm ngon ngay tại vườn, chụp cho mình những kiểu ảnh đẹp mà còn được trải nghiệm vô cùng thú vị.
5. Hoa kè hấp thịt
Hoa kè hấp thịt là món ăn đặc trưng của người dân tộc Tày ở Tuyên Quang. Hoa kè có hình như một chiếc chuông nhỏ người Tày gọi là boóc kè, cây là loại thân gỗ, tán rộng, lá to.Sau khi được bỏ nhụy, rửa sạch quá trình nhồi thịt diễn ra rất nhanh và đơn giản. Khi nhồi xong, hoa được hấp bằng chõ khoảng 15 phút.
Những bông hoa nở xòe cùng nhân thịt mềm, ngậy như đánh thức khứu giác của người thưởng thức. Hoa kè hấp thịt được dùng nóng, chấm với chút mắm ngon, vị nhằng nhặng đắng nơi đầu lưỡi nhanh chóng qua đi, thay vào đó là vị ngọt là lạ của hoa kè, vị ngọt bùi của trứng, thịt, thêm chút cay nồng của tiêu xay làm ấm lòng những ngày sang đông.
Khi thưởng thức món ăn hoa kè người ta cảm nhận được cái thanh mát, ngọt dịu sau vị đắng lúc ban đầu. Trong cái lạnh đầu đông, món ngon từ hoa kè sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng và ấm cúng
6. Rượu ngô Na Hang
Đến với Na Hang vùng đất huyền thoại bạn sẽ được hòa nhịp với cuộc sống nơi đây, sẽ được tiếp đãi ân tình bời tấm lòng nhân hậu của bà con dân tộc, để thưởng thức vị cay nồng hương thơm ngào ngạt của rượu ngô. Rượu ngô Na Hang được nấu từ ngô ủ bằng men lá.
Men được làm từ các loại lá, rễ cây rừng. rượu ngô Na Hang là một loại rượu không gây hại cho sức khoẻ con người, tạo cảm giác sum họp, ấm cúng, thân mật khi tất cả mọi người quây quần bên bàn rượu. Rượu được nấu kết hợp với nguồn nước đặc biệt từ khe nước, núi đá của vùng núi, có mùi và vị đặc trưng từ ngô và men lá theo phương pháp thủ công, gia truyền.
7. Chè Khau Mút
Chè Khau Mút là đặc sản độc đáo ở Tuyên Quang, phổ biến ở Chiêm Hóa, Lâm Bình. Sự khác biệt của chè Khau Mút là khi uống không bị cồn ruột lúc đói và hương vị đậm đà khác hẳn các loại chè trồng đại trà. Mọi công đoạn từ hái chè chế biến chè đều được đồng bào dân tộc dao làm thủ công.
Chè sau khi được hái từ trên núi về sẽ được trải ra nền nhà cho khô bớt nước,sau đó được sao lên bằng chảo gang to, bếp lửa phải đun bằng lá cây.công đoạn vò cũng phải thủ công là dùng chân chứ không được dùng máy.do vậy để đạt được một kg chè thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công đầy vất vả.do vậy khi được thưởng thức ly trà khau mút kể cả những người sành trà nhất cũng phải cảm thấy hương vị tuyệt vời,đậm đà thơm dịu của nó. Người thưởng thức sẽ không quên được hương thơm nồng đậm, vị chan chát đầu lưỡi và ngọt dần xuống cổ họng.
8. Nộm da trâu
Người Tày ở Lâm Bình (Tuyên Quang) đã biến da trâu trở thành đặc sản không thể thiếu trên mâm cơm những dịp đặc biệt. Da trâu hơ qua lửa rồi ngâm với nước lã, sau đó thái mỏng miếng da.
Sau khi da trâu đã được làm sạch, đem luộc da trâu từ 1,5 – 2 giờ. Sau khi luộc xong, da trâu sẽ được thái mỏng. Nộm da trâu cần gia giảm thêm nhiều gia vị và rau thơm như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng.
Cảm giác ngòn ngọt của thịt trâu vị bùi của lạc rang, thơm của mùi ta… tất cả cùng hòa quyện tạo thành thứ men ngây ngất trong khoang miệng.
Theo dulichchaovietnam.com