Tỉnh đã ban hành các văn bản và Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc UBND tỉnh. Đồng thời ban hành các quyết định về điều chỉnh vị trí việc làm, phê duyệt danh mục vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, số lượng người làm việc.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh đã giải thể Ban Quản lý dự án vùng căn cứ cách mạng tỉnh Tuyên Quang; thành lập, hợp nhất 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện; giải thể, sáp nhập 6 Hạt quản lý giao thông thuộc Ủy ban nhân dân huyện; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc 7 sở, ngành.
Sau sắp xếp, Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương ngày càng đi vào hoạt động hiệu quả. Trong ảnh, Cán bộ y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương thăm khám cho bệnh nhân.
UBND tỉnh đã sắp xếp lại, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của 20/20 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 40 phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, giảm 190 lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến nay, đã thực hiện sắp xếp giảm 85 đơn vị sự nghiệp công lập, 242 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 454 lãnh đạo, quản lý thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc, đã có 34/34 cơ quan, tổ chức hành chính thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định của Trung ương; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, tiết kiệm nguồn lực, giảm thủ tục hành chính. Tại thời điểm 31/12/2023, toàn tỉnh có 576 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 57 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 171 đầu mối phòng và tương đương và giảm 392 lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập so với quy định).
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả đến tháng 6/2023, tổng số biên chế thực tế đã thực hiện tinh giản từ năm 2016 – 2023 là 2.286 biên chế, trong đó, hoàn thành mục tiêu giảm biên chế tối thiểu 10% so với năm 2015, giai đoạn 2016 – 2021 đã giảm là 2.067 biên chế (349 công chức; 1.718 viên chức). Giai đoạn 2022 – 2026 phải giảm 1.683 biên chế (135 công chức; 1.548 viên chức) theo quy định của Trung ương; thực tế trong 2 năm (2022 và 2023) đã giảm 591 biên chế (22 công chức; 569 viên chức).
Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2015, toàn tỉnh có 19 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì đến nay, toàn tỉnh có 33 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, trong đó có 1 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 32 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được như tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… thì việc tinh giản biên chế ở Tuyên Quang hiện cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là thực hiện chủ trương giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2022 – 2026 trong lĩnh vực giáo dục, khi việc sáp nhập, hợp nhất thành các điểm trường liên cấp còn bị chi phối bởi các yếu tố địa hình, cơ sở vật chất…
Việc thực hiện tự chủ tại các Trung tâm y tế đa chức năng cũng còn gặp vướng mắc do Trung tâm y tế hiện đang được giao quyền tự chủ tài chính theo 2 lĩnh vực (lĩnh vực khám, chữa bệnh tự đảm bảo chi thường xuyên; lĩnh vực y tế dự phòng do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên). Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy dẫn đến một đầu mối phải thực hiện nhiều nhiệm vụ gây ra tình trạng quá tải công việc, viên chức chịu áp lực trong khi chính sách đối với đội ngũ viên chức hiện chưa tương xứng. Do đó dẫn tới tình trạng viên chức nghỉ việc, thôi việc.
Giai đoạn 2020 – 2023 có 108 viên chức nghỉ việc, thôi việc. Trong lĩnh vực giáo dục, việc tinh giản biên chế vẫn phải thực hiện theo chủ trương chung song số lớp, số học sinh tăng. Năm học 2023 – 2024, tỉnh thiếu 2.220 giáo viên, trong khi sự nghiệp giáo dục phải thực hiện tinh giản 616 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (giai đoạn 2022 – 2026).
Trước những khó khăn này, tỉnh đang tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; về tổ chức thực hiện, về nguồn lực. Trong đó tập trung ưu tiên xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; tiếp tục sắp xếp các trường liên cấp ở những nơi có đủ điều kiện; xây dựng và phê duyệt Đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để làm căn cứ giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, chú ý phát triển các dịch vụ ngoài công lập; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công…
Tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn song đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đảm bảo các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp giữ vai trò then chốt trong việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.