Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 7 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố, 2 trợ lý phó thủ tướng, 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang. Số tiền thu hồi được trên 53.000 tỉ đồng…
Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân từng băn khoăn vì sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như thế nhưng vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ ở cả trung ương và địa phương? Vì sao một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm?
Nói về điều này, từ hội nghị sơ kết một năm hoạt động Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư nhấn mạnh nếu ai có tư tưởng cầm chừng né tránh sợ sai thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, nghiêm minh, không có vùng cấm hiện nay chính là thể hiện sự tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính ấy của Đảng ta.