Các đại biểu dự họp.
Dự cuộc họp có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Cuộc họp tập trung xem xét, cho ý kiến về chủ trương lập Đề án xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch.
Qua nghiên cứu đề án, các ý kiến thảo luận đều nhất trí việc lập đề án, trong đó tập trung làm rõ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi đề án. Bên cạnh đó các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tên gọi của đề án theo hướng vừa đảm bảo mục đích đề ra đồng thời tranh thủ nguồn lực về chương trình mục tiêu văn hóa; giải pháp về phát triển du lịch.
Về nhiệm vụ của đề án cần tập trung vào việc tu bổ, tôn tạo gắn với quy hoạch tổng thể và phát huy giá trị khu di tích. Trên cơ sở đó các giải pháp phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án trong đó việc giáo dục truyền thống cần xác định cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh cần có những hoạt động thiết thực như: học tập, báo công, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn tại các điểm di tích, đồng thời kết hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước có các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận nội dung trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm bày tỏ đồng tình cao đối với việc xây dựng đề án. Về mục tiêu của đề án, cơ quan chủ trì cần đảm bảo khi thực hiện đề án được thụ hưởng các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch hướng đến xây dựng Khu du lịch quốc gia.
Về nhiệm vụ của đề án, cần xác định các nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, trong đó phát huy các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; xây dựng các mô hình trải nghiệm, tôn tạo cảnh quan, tái hiện lại hình tượng Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; trải nghiệm các loại hình thể thao, trò chơi dân gian; hình thành các tour tuyến, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, đầu tư cơ sở vật chất để có thể tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, vùng và của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các giải pháp về cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực, huy động các thành phần xã hội để thực hiện đề án đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến vào Kế hoạch tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024, Thường trực Tỉnh ủy cơ bản đồng tình với các nội dung trong kế hoạch.
Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND phát biểu tại cuộc họp.
Các đại biểu nhấn mạnh, Lễ hội Thành Tuyên là cơ hội tốt nhất để phục vụ cho công tác quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từng bước đưa Tuyên Quang hội nhập với sự phát triển chung của các tỉnh miền núi và khu vực, quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương phát biểu tại cuộc họp.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đối với Liên hoan trình diễn một số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và các quốc gia đã được UNESSCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần lựa chọn mời các đơn vị, địa phương trong nước và nước ngoài có các di sản văn hóa phi vật thể tham gia trình diễn.
Về Lễ hội Thành Tuyên năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức các hoạt động cần hấp dẫn hơn, chất lượng hơn, đồng thời, có nhiều nét mới để thu hút du khách. UBND tỉnh và các ngành liên quan cần sớm hoàn thiện hồ sơ để công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Lễ hội Thành Tuyên.
Đối với các nội dung trong Lễ hội Thành Tuyên cần chú trọng tăng cường các hoạt động tuyên truyền để quảng bá lễ hội đặc sắc của Tuyên Quang. Đồng chí cũng đề nghị việc xây dựng và chấm điểm các mô hình diễn diễu cần thực hiện sớm; cần có không gian trưng bày các mô hình để du khách tham quan, trải nghiệm. Đồng chí cũng lưu ý, cần có các hoạt động phụ trợ bên lề diễn ra sôi nổi, vui tươi, hấp dẫn, tạo dấu ấn cho du khách khi đến với Tuyên Quang dịp Lễ hội Thành Tuyên.
Thành phố Tuyên Quang cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển các dịch vụ lưu trú, homestay, các hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống. Đồng thời, vận động nhân dân sửa chữa, nâng cấp hệ thống cửa hàng, mở rộng kinh doanh trên các tuyến phố, chú trọng giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ngoài ra, có các giải pháp tuyên truyền vận động nhân dân, du khách giữ gìn vệ sinh môi trường… Đồng chí giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn chỉnh kế hoạch để tổ chức thực hiện.
Cuộc họp cũng cho ý kiến vào chủ trương đầu tư một số dự án và một số nội dung quan trong khác.