Sau khi Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung nghiên cứu vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để hỗ trợ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.
Giữ vốn truyền thống
Tuyên Quang là tỉnh đi đầu trong nghiên cứu lập hồ sơ Nghi lễ then đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là tỉnh đầu mối, phối hợp với 10 tỉnh có di sản then (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên) lập hồ sơ Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái trình UNESCO.
Ngay sau khi di sản được UNESCO ghi danh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của di sản đối với đời sống xã hội; tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nhằm thực hiện cam kết của quốc gia với UNESCO tại Hồ sơ đề cử ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, giai đoạn 2022 – 2027 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022 Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê tư liệu hóa di sản và các phong tục, tập quán tốt đẹp gắn với di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng, khuyến khích nghệ nhân truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ, tăng cường các hình thức giáo dục trong và ngoài trường học; tôn vinh những cộng đồng, cá nhân có đóng góp trong việc thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy di sản; có chính sách khen thưởng, phong tặng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong bảo vệ trao truyền những giá trị văn hóa của di sản…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang Âu Thị Mai cho biết: chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của di sản then được tỉnh Tuyên Quang chú trọng những năm gần đây; toàn tỉnh hiện có hàng trăm câu lạc bộ hát then, đàn tính được thành lập. Tỉnh thường xuyên tổ chức liên hoan hát then, đàn tính cấp tỉnh, huyện, xã để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có dịp để giao lưu…
Để then không mai một, thất truyền
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy di sản này còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Số lượng người am hiểu về nghi lễ then không còn nhiều, thế hệ trẻ phần lớn không biết hát then (đặc biệt là làn điệu then cổ). Phần lớn các khúc hát, cung đoạn then được ghi chép lại bởi các thầy then hoặc truyền khẩu nên tính dị bản cao, mỗi nghệ nhân sở hữu một bản hát riêng biệt. Các nghệ nhân lớn tuổi ngày một nhiều và thưa thớt dần, phần lớn con cháu không mặn mà với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, chủ yếu chỉ còn biết hát then hiện đại. Vì thế nguy cơ thất truyền, mai một nghi lễ then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Tuyên Quang là rất lớn.
Đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: để nâng cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản then, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa di sản then, cập nhật hàng năm; sưu tầm các hiện vật, trang phục, nhạc cụ của các nghệ nhân thực hành then; thực hiện thu thanh, ghi hình, số hóa tư liệu do các nghệ nhân cao tuổi thực hành, để bảo tồn, lưu giữ vốn văn hóa truyền thống của di sản.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản thực hành then tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đưa chương trình dạy hát then vào trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các trường dân tộc nội trú. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ thực hành then trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức Liên hoan hát then – đàn tính cấp tỉnh; đăng cai tổ chức thành công Liên hoan hát then – đàn tính toàn quốc; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí, khuyến khích các nghệ nhân tham gia truyền dạy thực hành then; rà soát, tôn vinh và đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể then.
Tuyên Quang cũng tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí Nhà nước bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động trình diễn di sản then tại các địa phương. Đặc biệt, tỉnh cũng định hướng đưa di sản then trở thành một sản phẩm tại các làng văn hóa, các điểm du lịch; tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản then phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố khác cũng quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy di sản then. Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, như: tổ chức rà soát, lập hồ sơ các nghệ nhân thực hành then; kiểm kê chuyên đề di sản then, tổ chức phục dựng, bảo tồn nghi lễ cấp sắc then; mở các lớp truyền dạy thực hành then tại các xã có nghệ nhân then sinh sống…
Tại Lạng Sơn, trung bình mỗi năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ 1 – 3 lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở. Đồng thời, hỗ trợ nhạc cụ và một số trang phục biểu diễn cho người dân; vận động, khuyến khích các cơ sở có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống, thành lập các câu lạc bộ hát then – đàn tính gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Bắc Kạn lựa chọn địa bàn trọng điểm để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản; xây dựng kế hoạch sưu tầm các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến di sản then. Tỉnh Bắc Giang tổ chức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh, trong đó có thực hành then để lưu trữ phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu, trưng bày, quảng bá di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào…