Triển khai quyết liệt, nghiêm túc
Sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức các hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đến các cấp, ngành, đơn vị.
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) hướng dẫn điệu múa cờ của người Cao Lan cho thế hệ trẻ. Ảnh: Cảnh Trực
Tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách, đề án phù hợp, kịp thời về phát triển sự nghiệp văn hóa, con người, văn học, nghệ thuật. BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr-TU, ngày 18/9/2014 về thực hiện Nghị quyết số 33; tại các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XVII nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh được đưa vào nội dung của Nghị quyết để triển khai thực hiện. BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành 37 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 8 văn bản, UBND tỉnh ban hành 50 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Nghị quyết về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; Nghị quyết xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với khuôn viên thể thao; Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đặc biệt năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững.
Công tác tuyên truyền về Nghị quyết 33 được thực hiện sâu rộng trong toàn tỉnh, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ 2014 đến nay, các cơ quan báo chí của tỉnh có trên 33 nghìn tác phẩm thông tin tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị đã sử dụng website, trang thông tin điện tử, mạng xã hội Youtube, Tiktok, Fanpage, Zalo để tuyên truyền đa dạng, mang lại hiệu quả cao.
Công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết được tổ chức thường xuyên, hiệu quả gắn với kiểm tra các kế hoạch, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 3 cuộc kiểm tra, giám sát; HĐND tỉnh thực hiện 4 cuộc giám sát chuyên đề, 4 cuộc khảo sát và 1 cuộc giải trình; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện 1 cuộc kiểm tra chuyên đề thực hiện Nghị quyết 33. Qua công tác kiểm tra, giám sát, tỉnh tiếp tục đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Trong quá trình triển khai Nghị quyết, định kỳ Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
Chợ phiên của người Dao Hàm Yên.
Kết quả ấn tượng
Nghị quyết 33 đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, đời sống văn hóa của nhân dân trong tỉnh ngày càng phong phú, giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo được hình thành.
Môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện. Theo đó, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt nhiều kết quả quan trọng, số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa đến năm 2023 đạt 93,5%, tăng 3,5% kế hoạch, tăng 9,57% so với năm 2014; số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đến năm 2023 đạt 96,9%, tăng 16,9% kế hoạch, tăng 23,59% so với năm 2014. Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đến năm 2023 có 7 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 71/138 số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao đạt chuẩn, đạt 51%, tăng 16% chỉ tiêu kế hoạch; có 1.680/1.733 thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 96%.
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích luôn được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 660 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó 474 di tích lịch sử, 78 di tích kiến trúc nghệ thuật, 51 di tích khảo cổ, 57 danh lam thắng cảnh, 271 di tích cấp tỉnh, 182 di tích quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt; 1 bảo vật quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 54 lễ hội, trong đó có 48 lễ hội truyền thống, 6 lễ hội văn hóa. Hiện tại, toàn tỉnh có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”…
Từ năm 2022, Tuyên Quang đã tổ chức vinh danh 10 công dân tiêu biểu hàng năm, là những người có nhiều đóng góp, thành tích nổi bật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nhiều công dân hoạt động, nghiên cứu về văn hóa. Đồng thời xét, đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hiện tại, Tuyên Quang có 2 nghệ nhân nhân dân, 11 nghệ nhân ưu tú; 11 nghệ sỹ ưu tú. Tỉnh tổ chức 3 lần xét, tặng Giải thưởng Tân Trào (2016, 2019, 2023) cho 50 tác giả, nhóm tác giả với 33 tác phẩm, cụm tác phẩm/công trình, cụm công trình văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ; thưởng 50% giá trị giải thưởng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đạt giải khu vực, quốc gia và quốc tế…
Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách.
Việc hợp tác quốc tế về văn hoá, phát triển văn hóa trong kinh tế được quan tâm, mở ra cơ hội mới thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch giữa Tuyên Quang và các địa phương của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu biểu như Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản.
Tỉnh đã củng cố, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tham mưu, thực hiện công tác quản lý về văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh có 192 công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành văn hóa cấp tỉnh, 88 người cấp huyện và 100% cán bộ văn hóa, xã hội cấp xã đạt yêu cầu.
Bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn, thách thức do chịu sự tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường. Là tỉnh miền núi nên trình độ dân trí không đồng đều; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ có nguy cơ làm biến chất, biến dạng nhiều giá trị văn hóa truyền thống; các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ, các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng…
Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 rút ra những bài học có giá trị bảo đảm tiếp tục thực hiện Nghị quyết hiệu quả cao hơn để những thành tựu văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Đó là, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội nắm vững và thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; nâng cao tính tự giác, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc xây dựng phát triển văn hóa, con người. Đồng thời, kịp thời thể chế các chủ trương của Đảng, Nhà nước bằng những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn ở địa phương; tăng cường nguồn lực, đầu tư cho văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa… để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.