Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn giữa các bên.
Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng về tiến độ triển khai nhanh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và những nỗ lực đang triển khai ngay giai đoạn 2 của Dự án. “Chứng minh nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực lớn, tất cả vì lợi ích chung thì không gì không thể, không gì là không làm được.”
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển và hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông (hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không…) là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế. Dự án này thể hiện tinh thần đi lên từ nội lực, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi lễ
Theo Thủ tướng, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải, là công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và kinh tế-xã hội đất nước ta trong những năm tới. Đây sẽ là Cảng hàng không quốc tế thông minh và trở thành đô thị sân bay.
Theo đó, cùng với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mở rộng), Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo thành một cụm Cảng hàng không quốc tế hiện đại, có quy mô và sức chứa lớn, năng lực khai thác đồng bộ, chất lượng, trở thành trung tâm trung chuyển hàng không, logistics với tầm cỡ hàng đầu khu vực và quốc tế. Chúng ta cần liên kết hệ thống 3 cụm Cảng hàng không quốc tế lớn này. Phát triển kinh tế hàng không ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chúng ta có đủ năng lực, điều kiện để phát triển hệ thống này trong thời gian tới? Vấn đề là có tìm ra cơ chế, chính sách hợp lý, quyết tâm làm hay không? Phải quyết tâm với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể kinh tế-xã hội Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ sân bay Long Thành là hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 5,4 tỷ USD, trong đó dự án thành phần 3 có nhu cầu vay vốn tính đến ngày 13/12/2023 là 1,8 tỷ USD (33%). Trên cơ sở được Chủ đầu tư ACV chỉ định là Ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Dự án thành phần 3 thuộc giai đoạn 1 của Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Vietcombank đã cùng các ngân hàng hợp vốn là Vietinbank, BIDV triển khai thẩm định, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận chủ trương cho vay bằng ngoại tệ trung dài hạn đối với Dự án với tổng giá trị tài trợ rất lớn là 1,8 tỷ USD (Trong đó, Vietcombank tham gia tài trợ 1 tỷ USD, Vietinbank 450 triệu USD và BIDV 350 triệu USD).
“Kết quả này thể hiện một bước phát triển bứt phá của các ngân hàng thương mại trong nước về thu xếp vốn ngoại tệ cho khách hàng, cụ thể: đây là dự án có tổng số tiền tài trợ và đặc biệt là bằng ngoại tệ lớn nhất từ trước đến nay bởi các ngân hàng thương mại Việt Nam, cụ thể là bởi các ngân hàng thương mại Nhà nước” – Thủ tướng nói.
Đây cũng là dự án đầu tiên được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn vốn vay USD trung dài hạn từ các ngân hàng thương mại Việt Nam, với các điều kiện cạnh tranh hơn so với phương án vay vốn trực tiếp từ các định chế tài chính quốc tế. Ngoài việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững, khoản tài trợ 1,8 tỷ USD cho một dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành là minh chứng rõ nét cho vị thế và sự lớn mạnh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc thu xếp vốn cho các dự án phức tạp và quy mô lớn; đồng thời, tạo tiền lệ mới tích cực giúp khuyến khích, phát huy sự chủ động của các nhà đầu tư trong nước không phải phụ thuộc quá nhiều nguồn vốn vay nước ngoài trong thời gian tới.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương nỗ lực tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng Vietcombank (Ngân hàng đầu mối thu xếp vốn), Vietinbank, BIDV cùng sự theo dõi, phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã nhanh chóng giúp thu xếp được số tiền tài trợ lớn 1,8 tỷ USD để hỗ trợ kịp thời cho chủ đầu tư ACV thực hiện ký kết các hợp đồng thi công với nhà thầu, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, “ngủ quên trên chiến thắng”. Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đồng chí tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hơn nữa quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “đã nói là làm”, “làm đi đôi với nói”, “nói đi đôi với làm”, “vượt nắng, thắng mưa”, làm “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng hoàn thành các công trình, hạng mục của Dự án, đáp ứng và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.