Xu hướng bền vững
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Tuyên Quang là địa phương phát triển về công nghiệp muộn hơn so với các tỉnh, thành khác trong nước nhưng luôn đặt mục tiêu thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, với ưu thế về phát triển nông lâm nghiệp, ngành tham mưu tỉnh thu hút, mời gọi các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, sử dụng nguyên liệu tái tạo, lắp ráp các mặt hàng công nghệ cao, thiết bị hiện đại; các dự án nông nghiệp hữu cơ, chế biến dược liệu… Đây là xu hướng bền vững, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực giảm phát thải ròng bằng 0.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3 ha tại Khu công nghiệp Long Bình An. Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 478,8 tỷ đồng (tương đương hơn 20,4 triệu USD). Dự kiến nhà máy sẽ vận hành vào năm 2025. Sản phẩm viên gỗ nén chất lượng cao của nhà máy được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nguyên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện, là chất đốt cho lò sưởi, thiết bị thiêu đốt công nghiệp, hệ thống xông hơi, sấy thực phẩm gia súc…
Các dự án chế biến nông lâm sản được tỉnh ưu tiên thu hút trong giai đoạn này (Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Trà Phú Tân, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang).
Doanh nghiệp này hiện cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực điện sinh khối, với mục tiêu là tận dụng các phụ phẩm trong chế biến nông lâm sản để sản xuất điện sinh khối. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ dẫn đầu xu hướng sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa của thị trường và khách hàng.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamigo,… Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 75 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.000 tỷ đồng, bằng 62,3% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025; đã phê duyệt chủ trương đầu tư 42 dự án sản xuất công nghiệp, với tổng mức đầu tư trên 6.269 tỷ đồng; trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, dự kiến có giá trị sản xuất và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như: Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang, tổng mức đầu tư trên 478 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất gỗ huyện Yên Sơn, tổng mức đầu tư trên 408 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Ninh Lai – Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tổng mức đầu tư trên 965 tỷ đồng… Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã phê duyệt 20 hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư; quyết định chấp thuận nhà đầu tư 1 hồ sơ; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 dự án với số vốn trên 82,7 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án với số vốn trên 162 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 tháng qua, đã có 6 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng số dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên 284 dự án, chiếm 72,2% tổng số dự án, với tổng mức đầu tư trên 26.800 tỷ đồng.
Hỗ trợ hiệu quả đổi mới công nghệ
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trung Kiên cho biết, Tuyên Quang đang trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư. Trong giai đoạn này, tỉnh chủ trương thu hút các dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, ít sử dụng lao động và hạn chế tối đa các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động đến môi trường. Trong dự thảo Tái cơ cấu ngành công thương, ngành này cũng đặt mục tiêu duy trì ổn định đối với các dự án về giày da, may mặc mà tập trung vào nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Đối với các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến lâm sản, ngành công thương khuyến khích các doanh nghiệp chế biến lâm sản sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Hiện, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này đã ưu tiên lựa chọn nguyên liệu này như Woodsland, An Hòa… Đồng thời, đối với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, sở hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, dây chuyền thông qua nguồn vốn của Quỹ khuyến công trung ương và Khuyến công địa phương.
Công ty TNHH Trà Phú Tân, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) vừa được hỗ trợ từ nguồn Quỹ khuyến công để chuyển đổi công nghệ dây chuyền sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Chí, Giám đốc Công ty cho biết, công nghệ mới đã giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản xuất, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 600-800 m3 gỗ ván ép. Theo ông Chí, việc hỗ trợ đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thị trường khó tính hơn, chất lượng, giá trị sản phẩm đạt cao hơn.
Câu chuyện không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng ở nhiều địa phương là bài học để Tuyên Quang “lọc” những dự án mới, đảm bảo tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Với quyết tâm ấy, tỉnh đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển trên nền tảng xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, là điểm dừng chân cho các doanh nghiệp xanh.