Nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải khám phá khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của hồ Na Nang, hang Phia Vài, thác Khuổi Nhi và thác Nặm Me.
Nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (thường gọi Hai Le Cao, sinh năm 1984), quê ở Hưng Yên, là quản lý Fanpage Sinh ra để hoang dã hiện thu hút hơn 31.300 thành viên. Đó cũng là trang để anh và những người cùng đam mê trekking, du lịch mạo hiểm các điểm thiên nhiên cùng đăng tải những bộ ảnh sau các chuyến đi.
Trong tháng 5/2021, anh Hải và nhóm bạn có chuyến trải nghiệm kỳ thú Na Hang – Nặm Me và ghi lại bộ ảnh đáng nhớ.
Na Hang trong tiếng Tày ở Tuyên Quang có nghĩa là “ruộng cuối”. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 21.000 ha, trong đó hồ Na Hang có diện tích bề mặt 8.000 ha. Trên ảnh là quang cảnh một góc hồ Na Hang sơn thủy hữu tình, nơi hợp lưu giữa hai sông Gâm và sông Năng.
Một góc nhỏ mưu sinh trên mặt hồ Na Hang không gợn sóng. Trong truyền thuyết hồ Na Hang là nơi chim phượng hoàng bay về, tạo thành 99 ngọn núi, ngày nay được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”, trong đó núi Pác Tạ là cao nhất.
“Tôi thường xem các kênh, phim tài liệu về khám phá, thám hiểm và có 12 năm chinh phục các địa danh có cảnh quan mang hơi hướng thiên nhiên hoang dã dọc miền đất nước. Do đó, các địa điểm và bộ ảnh tôi thực hiện đều theo tiêu chí hoang dã trên”, anh Hải chia sẻ.
Du khách xuất phát từ Bến Thủy, Lâm Bình và lênh lênh trên thuyền ngắm nhìn cảnh sắc kỳ diệu của những hòn đảo xung quanh hồ và đặc biệt là màu nước xanh màu ngọc bích. Có thể nghỉ ngay một đêm bên hồ để sớm thức dậy giữa lòng hồ Na Hang, cảm nhận một không gian mênh mông và yên bình.
Thác Khuổi Nhi có 2 tầng. Leo bộ từ hồ Na Hang lên 100 m tới tầng đầu tiên của thác, có hồ nước xanh biếc rộng khoảng 50 m2 đủ sâu để bơi lội và nghịch nước. Ở đây có loại cá “massage” nhỏ bằng ngón tay út kéo đến rỉa chân mỗi khi khách thả chân nghỉ ngơi.
Theo anh Hải, tầng 2 của thác hùng vĩ hơn, thỏa thích cho bơi bội và chụp ảnh, đi vào mùa mưa thác nhiều nước và rêu xanh bám vào đá nên sẽ đẹp hơn.
Thuyền đậu bên ngoài hang Phia Vài, cách thác Khuổi Nhi tầm 20 phút di chuyển. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời kỳ đồ đá trên dưới 10.000 năm. Do đang vào mùa mưa, nước dâng nên thuyền khó vào được bên trong hang. Anh Hải và những người bạn quyết định bơi vào khám phá lòng hang khoảng 15 – 20m.
Nếu ở bên ngoài hang du khách chắc chắn sẽ bất ngờ với khung cảnh hoang sơ, xanh mát và các khối cọc nhũ đá lớn.
Một trong những dấu ấn không thể bỏ qua trên hồ Na Hang là hòn Cọc Vài, trong tiếng Tày nghĩa là “cọc buộc trâu”. Cọc đá này hình thành hàng nghìn năm, đứng sừng sững giữa hồ và trên mỏm đá có cây xanh tốt.
Kỳ thú nhất chuyến đi Na Hang – Nặm Me của nhóm anh Hải chính là ngày leo thác Nặm Me, địa phận xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình. Theo anh Hải, quãng đường leo thác khoảng 6 km, gặp ghềnh suối, đá liên tục và có 3 – 4 điểm leo cực khó với vách thẳng đứng, cao tầm 10 -15 m và rêu trơn.
Do đó, điểm leo thác này đòi hỏi thử thách và mạo hiểm, có thiết bị bảo hộ để leo an toàn, chỉ dành cho những người có sức khoẻ và kỹ năng leo núi tốt.
Đường tới thác Nặm Me rất khó đi nên nhóm để lại hết đồ dùng không cần thiết ở thuyền. Lên thác có 2 hướng chính, một là băng theo đường rừng, đường này dài, xa và có nhiều vắt, hai là leo hướng thẳng suối đi lên.
Nhóm anh Hải quyết định đi hướng thứ hai theo sự chỉ dẫn của người địa phương và hỗ trợ của porter (người vác đồ kiêm dẫn đường).
Leo tới thác cũng là lúc mọi người có thời gian thư giãn, lắng nghe hơi thở của núi rừng giữa chốn thiên nhiên hoang dã. Thác Nặm Me có nhiều tầng, nước chảy mạnh và tung bọt trắng xóa. Những giọt nước nhỏ theo gió bay li ti tạo một không gian mát lạnh.
“Cảm xúc vỡ òa khi chinh phục thác, thật sự may mắn khi sống cùng với thiên nhiên, nơi không còn sóng điện thoại, không còn bộn bề công việc và kết nối được nhiều bạn cùng đam mê”, chị Phạm Hưng (đến từ Thái Nguyên), tham gia nhóm leo núi cùng anh Hải, chụp kỷ niệm bên chốn hoang dã trên thác Nặm Me.
Anh Hải chia sẻ, vừa leo vừa quay phim, chụp ảnh khoảng 2 tiếng là tới thác chính, thác dội từ trên cao xuống nhìn như “mái tóc nàng tiên giữa đại ngàn”. Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng mọi người cần biết khi leo thác là leo lên thì mệt, tốn sức nhưng lại dễ hơn leo xuống do đi xuống nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn, đặc biệt là cần ổn định tâm lý.
Điểm hạ trại của nhóm anh Hải nằm ngay cạnh những cây cọ chết khô huyền ảo dưới bầu trời đêm đầy sao. Theo chia sẻ của người dân nơi đây, bãi cọ này ngập trong nước, phần trên nhô lên cao nên còn ví như bãi cọc Bạch Đằng. Vào mùa nước cạn, bãi cọ sẽ lộ thiên nhiều hơn và là nơi hấp dẫn du khách tham quan với nhiều góc chụp ảnh đẹp.
Huỳnh Phương